30 năm WTO hình thành và phát triển: 'Ngọn hải đăng' trong thế giới phân mảnh
Sau 18 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007, Việt Nam đã ghi dấu ấn về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 1/1/1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức đi vào hoạt động theo Tuyên bố Marrakesh được ký kết tại Maroc.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, WTO đã góp phần định hình lại thương mại toàn cầu, mở rộng giao thương giữa các quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các tranh chấp thương mại và hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển hội nhập vào hệ thống thương mại. Tuy nhiên, tổ chức này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Kể từ khi ra đời, với vai trò trung tâm trong việc xây dựng, điều phối các quy tắc thương mại quốc tế, WTO đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thương mại quốc tế tăng hơn gấp 6 lần, từ 4.300 tỷ USD năm 1994 lên hơn 27.000 tỷ USD vào năm 2023. Tỷ lệ thương mại so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cũng nhảy vọt từ 19,9% lên 29,9%. Thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều hàng xuất khẩu hơn từ các nước thu nhập thấp và trung bình đã góp phần giảm tình trạng nghèo đói trên toàn cầu.
Theo Ban Thư ký WTO, tỷ lệ nghèo trên toàn cầu đã giảm từ 38,1% năm 1996 xuống còn 10,6% năm 2022. Các biện pháp giảm thuế quan và rào cản thương mại cũng thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng.
Đơn cử GDP của nền kinh tế Mỹ đã tăng thêm 87 tỷ USD trong giai đoạn 1995-2020 nhờ tham gia WTO. Các thành tựu đạt được phần lớn nhờ vào quá trình tự do hóa thương mại đa phương thông qua tổ chức này.
Sau 18 năm gia nhập WTO (11/1/2007), Việt Nam đã ghi dấu ấn về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu có được là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành quốc gia cạnh tranh và hiện đại.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5/2023, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá “Việt Nam là tấm gương sáng về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế."
Thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, duy trì nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP.
Ở thời điểm hiện tại, WTO và các quy tắc của tổ chức này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia tận dụng các cơ hội mới cho tăng trưởng thương mại, khai thác thương mại để giải quyết các thách thức toàn cầu và giảm căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, WTO cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Bầu không khí hợp tác ngày nay u ám hơn nhiều so với tháng 4/1994 khi Tuyên bố Marrakesh về thành lập WTO, được ký kết. Tâm lý hào hứng đối với các thỏa thuận tự do thương mại mang tính đột phá đã nhường chỗ cho chủ nghĩa bảo hộ.
Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, đã đưa các tranh chấp vượt khỏi phạm vi WTO và làm suy yếu vai trò trung gian của tổ chức này. Hệ thống giải quyết tranh chấp bị đình trệ từ năm 2019 do Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới, khiến nhiều vụ việc không thể giải quyết triệt để.
Sau những biến cố như đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng lương thực,... xu hướng phân mảnh và bảo hộ thương mại trong cấu trúc thương mại toàn cầu đang trỗi dậy với việc các nước đặt ra các hàng rào phi thuế quan.
Bên cạnh đó, sự phân hóa giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển cũng tạo ra thách thức lớn trong việc đạt được đồng thuận về các vấn đề thương mại nhạy cảm.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết ngoài các tranh chấp quen thuộc giữa các nước ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đã có những dấu hiệu chia rẽ Nam-Nam tại cuộc họp cấp bộ trưởng WTO ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) hồi tháng 2/2024. Những điều này phản ánh lập trường kiên quyết của một số quốc gia đang phát triển - chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil - rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe.
Bà Okonjo-Iweala đã thừa nhận rằng WTO hiện gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa 166 quốc gia thành viên và tổ chức này không thể tiếp tục “hoạt động theo cách truyền thống."
Ông Evan Rogerson, cựu quan chức cấp cao của WTO và hiện là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu đa phương tại Singapore, cũng nhận định rằng cuộc họp cấp bộ trưởng WTO tại Abu Dhabi gây thất vọng vì không đạt được bất kỳ tiến triển đa phương thực chất nào ngoài việc kết nạp thêm 2 thành viên là Timor Leste và Comoros.
Vai trò của WTO sẽ dần bị mai một nếu không thay đổi cơ chế vận hành và cải cách mà trong đó, đối thoại chính sách nhằm xây dựng một bộ nguyên tắc có tính thích ứng cao là điều cấp thiết.
Bên cạnh đó, nhằm xây dựng một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, bao trùm, công bằng và cởi mở, chương trình đối thoại cần cân bằng với cơ hội thực tế để giải quyết các mối quan tâm ưu tiên cho tất cả thành viên WTO phát triển, mới nổi và đang phát triển.
Có thể thấy, 30 năm sau khi WTO ra đời, hiện là lúc cần "hâm nóng" tinh thần hợp tác đã truyền cảm hứng cho sự hình thành của tổ chức này. Rõ ràng, thúc đẩy toàn cầu hóa sẽ giúp khôi phục vị thế trung tâm của WTO, qua đó làm cho thương mại thế giới trở nên bao trùm và công bằng hơn.
Theo giới chuyên gia, để duy trì vai trò then chốt trong thương mại toàn cầu, WTO cần thực hiện các cải cách mang tính chiến lược. Việc khôi phục hoạt động của cơ quan phúc thẩm và cải thiện quy trình giải quyết tranh chấp sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và công bằng. Tăng cường tiếng nói của các quốc gia đang phát triển trong quá trình ra quyết định sẽ xây dựng một hệ thống thương mại công bằng hơn.
Đồng thời, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cần được đẩy mạnh để giúp các quốc gia nghèo nâng cao năng lực xuất khẩu. Việc xây dựng quy tắc cho các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, biến đổi khí hậu và trợ cấp công nghiệp cũng là bước đi cần thiết để WTO bắt kịp xu thế toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala cho rằng cải cách có ý nghĩa sẽ đòi hỏi các nước đang phát triển phải đóng vai trò lớn hơn.
Như lời nhà lãnh đạo này khẳng định trong sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Hiệp định Marrakesh (15/4/1994), thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn thế giới và trong 3 thập niên qua, với WTO, đã có hơn 1,5 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực.
Đây là thành quả có ý nghĩa nhất, thể hiện rõ cam kết lâu dài của WTO về việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển, ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường; bảo đảm cho các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất được thụ hưởng những lợi ích thực sự từ sự tăng trưởng của thương mại quốc tế; nâng cao mức sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu được tôn trọng.
Sau 30 năm WTO ra đời, những cam kết này vẫn là "ngọn hải đăng" chiếu sáng con đường hướng tới thương mại đa phương bền vững và thịnh vượng./.