2023 là năm khó khăn nhất của xuất khẩu dệt may trong hơn 3 thập kỷ qua
Năm 2024 được dự báo rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may, vì vậy việc mở rộng tệp khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm… là một trong các giải pháp cần có để duy trì sản xuất kinh doanh.
Năm 2024 dự báo còn rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may, vì vậy việc tận dụng những cơ hội nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng, đa dạng hóa mặt hàng… là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp dệt may thực hiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân người lao động.
Tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “Chọn việc khó”
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc…
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá, 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2020 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh. Kim ngạch giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%, điều này cũng đã phần nào nói lên những khó khăn của người điều hành, người lao động để có thể duy trì được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước những khó khăn “bất định” của thị trường, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục mục tiêu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng. Dựa trên những bài học kinh nghiệm của năm 2023, phát triển bền vững, đi đôi với những yêu cầu của thị trường toàn cầu về dệt may bền vững. Đi sâu vào đầu tư Quản trị Số, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch… để đáp ứng được các yêu cầu cao nhất của khách hàn.
Cùng đó, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ hóa, tự động hóa ở các dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ nhưng chất lượng sản phẩm cao. Đây chắc chắn sẽ là một trong những thay đổi mang tính chiến lược với các doanh nghiệp ngành may khi mà các đơn hàng lớn, chuyên biệt hóa sẽ ngày một ít đi, cũng như tập trung giải pháp cho ngành công nghiệp thời trang.
Trong bối cảnh các quốc gia sản xuất dệt may có cạnh tranh gay gắt khi tổng cầu suy giảm, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm sáng trong khu vực với sự ổn định về chính trị, năng lực sản xuất cao, tay nghề người lao động khéo léo, đồng thời duy trì tốt các chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động...
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, năm 2024, nền kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế thế giới trong còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường. Ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”... đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.
Bên cạnh đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng Chuyển đổi Số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… Trong bối cảnh đó, May 10 với tinh thần vượt khó sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh... đặc biệt, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiếp tục phát triển sản phẩm mới.
"May 10 cũng tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “Chọn việc khó” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí,” ông Việt chia sẻ.
Linh hoạt trong sản xuất
Đánh giá về bức tranh ngành dệt may, bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ cho biết qua theo dõi và quan sát, thời điểm hiện tại thị trường ngành may mặc chưa có định hình rõ nét. Cụ thể hơn, thị trường năm 2024 sẽ còn có nhiều biến động, do đó các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các biện pháp thích ứng để giảm mức độ tác động khi thị trường xấu đi;
Theo dự báo của Wood Mackenzie thì GDP toàn cầu năm nay sẽ tiếp tục giảm, cộng với tình hình xung đột địa chính trị còn kéo dài… dẫn tới áp lực cho người tiêu dùng toàn cầu khiến giảm mua sắm các hàng hóa không thiết yếu trong đó có dệt may, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy vậy, bà Oanh nhận định, doanh nghiệp dệt may sẽ có cơ hội tăng trưởng ở thị trường Mỹ và Nhật Bản khi Việt Nam thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 2 quốc gia này.
Mặt khác, người tiêu dùng và các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm hơn tới trách nhiệm của nhà nhập khẩu, các thành viên trong chuỗi cung ứng… điều này đặt ra những yêu cầu mới về năng lượng sạch, tái chế sản phẩm, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay cơ chế điều chỉnh thuế carbon… và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm các tiêu chuẩn khác để hướng nhà sản xuất có trách nhiệm hơn đối với môi trường và người lao động.
Với những đặc điểm cơ bản của thị trường trong giai đoạn tới, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đặt ra một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành, trong đó, tập trung vào công tác thị trường, những người làm công tác thị trường cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Với thị trường Mỹ và Nhật Bản cần nghiên cứu sâu về tệp khách hàng, nguồn hàng để tận dụng tối đa cơ hội tại 2 thị trường này, đồng thời tiếp tục mở rộng, xúc tiến thương mại tại các thị trường khác như: EU, Hàn Quốc, Thái Lan…
“Tại Hòa Thọ hiện nay, tỷ trọng khách hàng ở phân khúc thấp còn tương đối nhiều, do đó Tổng Công ty tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch chuyển dần sang phân khúc trung và cao cấp. Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần có sự đầu tư nghiêm túc, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, thì doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận nguồn hàng, duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh,” bà Hoàng Thùy Oanh nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành sợi cũng xây dựng các chính sách để ứng phó linh hoạt với yêu cầu của thị trường và khách hàng. Bà Lê Thị Quê Hương, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài chia sẻ, doanh nghiệp nhận định thị trường ngành sợi năm 2024 còn tương đối yếu, ít nhất là phải tới hết quý 1 và 2 mới có thể ấm dần lên.
Riêng Sợi Phú Bài, từ năm 2018 doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi và thực hiện kéo sợi recycled và tới thời điểm hiện tại, công ty đang chạy đủ công suất của 3 nhà máy với khoảng 70-80% là mặt hàng này.
Với Nhà máy Sợi 3 - nhà máy sợi 2 tầng vừa đầu tư đồng bộ, theo bà Hương, trước đây đơn vị chuyên kéo sợi 100% cotton, nhưng tới thời điểm này, công ty cũng đã phải chuyển đổi mặt hàng để đáp ứng với thị trường và khách hàng.
“Với thị trường, từ trước tới nay Sợi Phú Bài vẫn là một trong những đơn vị có thị trường xuất khẩu ổn định, tập trung vào 2 thị trường chính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù thị trường còn nhiều bất định khi cầu ngành may năm 2024 còn tương đối thấp, kế hoạch sản xuất hiện nay không còn tính theo quý và chỉ theo tháng, nhưng hiện tại chúng tôi đã cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy,” Phó Tổng Giám đốc Sợi Phú Bài chia sẻ thêm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...
Trong xu hướng phát triển, doanh nghiệp dệt may luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh.
"Để làm được điều này, buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng," ông Giang nhấn mạnh./.