100 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Thi: Người nghệ sỹ đa tài, nhà văn hóa lớn

Với tài năng và cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa nước nhà, Nguyễn Đình Thi được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sỹ tài năng, trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông để lại một di sản văn hóa lớn ở nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, từ viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, lý luận phê bình đến viết kịch, sáng tác nhạc.

Ở lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền và ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học, nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sỹ đa tài

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán là làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Năm 1931, ông cùng gia đình về quê hương. Ông say mê văn chương, âm nhạc, mỹ thuật từ nhỏ; học và tìm hiểu triết học khi còn là học sinh trường Bưởi, sau là Ban Triết Trường Đại học Đông Dương.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)

Ông đã viết nhiều sách triết học như Triết học nhập môn, Triết học Einstein, Triết học Kant, Triết học Nietzsche, Siêu hình học và Triết học Descartes.

Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa 1, 2, 3.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình.

Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi để lại cho đất nước thật đồ sộ, phong phú, quý giá.

Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật.

Trong văn học, Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết. Các tác phẩm văn xuôi như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sỹ.

Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” phản ánh bức tranh đa chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939-1945, đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Thơ là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết, ông luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca.

Với tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương đất nước, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời những bài thơ bất hủ như “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”...

Trong số đó, bài thơ “Đất nước” là tác phẩm được coi là tâm đắc nhất của ông, sau này, bài thơ đã được nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản giao hưởng - hợp xướng cùng tên “Đất nước.”

Về nghệ thuật kịch, giới phê bình đã nhận xét kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, giàu chất thơ, nhạc điệu triết lý, đan xen hài hòa giữa hiện thực và sự liên tưởng khiến tác phẩm của ông mang một dấu ấn đặc biệt.

Hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam như: “Con nai đen” (1961), “Hoa và Ngần” (1975), “Giấc mơ” (1983), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn Cuội” (1983-1986)...

Những tác phẩm này thể hiện tâm huyết, tình yêu tha thiết của một nghệ sỹ tài năng với đất nước, với dân tộc cùng những trăn trở về số phận con người và khát vọng sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực âm nhạc, chỉ với 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sỹ-chiến sỹ.

Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

Về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, Nguyễn Đình Thi là một cây bút sắc sảo với phong cách riêng biệt. Đặc biệt, từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi đã viết “Nhận đường” năm 1948.

Đây là một trong những tác phẩm văn nghệ tiêu biểu thể hiện tư tưởng của ông về con đường nghệ thuật và xác định sứ mệnh của văn nghệ sĩ đối với kháng chiến và dân tộc. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải chuyển mình để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh.

Trong bối cảnh đất nước đang đấu tranh giành độc lập, nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống và tinh thần của nhân dân. Văn nghệ sỹ cần ý thức về trách nhiệm của mình, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân

Nhiều văn nghệ sỹ khẳng định, tác phẩm “Nhận đường” của Nguyễn Đình Thi đóng vai trò to lớn trong việc định hướng và tạo nên nền tảng lý luận cho văn học cách mạng, trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.

Một chân dung lớn

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhìn nhận quá trình sáng tạo, cống hiến của Nguyễn Đình Thi trên các phương diện sáng tác, lý luận, phê bình cho thấy ông không chỉ là một nghệ sỹ tài năng, mà còn là một nhà văn hóa, văn nghệ lớn.

Trong hơn 50 năm sáng tác, Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đồ sộ ở các thể loại thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc, lý luận, phê bình... và một phong cách nghệ thuật đa dạng.

Các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi góp phần phát triển nền văn học Việt Nam, đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh đầy thử thách và giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế sau này.

Những thành tựu của Nguyễn Đình Thi đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Việt Nam, khiến ông trở thành một trong những nghệ sỹ đáng kính và tài ba nhất trong lịch sử văn học, nghệ thuật của đất nước.

Giáo sư Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) cho rằng Nguyễn Đình Thi là một chân dung lớn, một nghệ sỹ lớn, một nhà văn hóa lớn trên rất nhiều phương diện.

Ở ông hội tụ đầy đủ cả tài năng, tầm vóc và bản lĩnh. Đối với Nguyễn Đình Thi, tài năng gần như bẩm sinh, ngay từ khi xuất hiện ở tuổi trên dưới 20. Một tài năng rất đa dạng gần như xuất hiện cùng lúc hoặc xen cài, khiến cho nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến nhiều danh xưng như nhạc sỹ, thi sỹ, văn sỹ, kịch-tác giả, lý luận-phê bình... bên cạnh nhà hoạt động xã hội và nghề nghiệp có vị trí cao và thâm niên dài trong giới văn hóa, văn nghệ kể từ trước 1945 cho đến khi ông qua đời.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Nguyễn Đình Thi là người nghệ sỹ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Ở lĩnh vực âm nhạc, dù ông có một số lượng tác phẩm âm nhạc khiêm tốn, nhưng chỉ với hai tuyệt phẩm “Diệt phátxít” và “Người Hà Nội,” Nguyễn Đình Thi đã có tên trên “bảng vàng” biên niên sử bằng âm thanh của dân tộc, trở thành tượng đài âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Tôn Phương Lan (Viện Văn học) cho rằng Nguyễn Đình Thi là một nghệ sỹ tài hoa, đã tự dựng được chân dung nghệ thuật của mình một cách sắc nét bằng chính các tác phẩm văn chương, nghệ thuật ở nhiều thể loại, bằng sự cống hiến ở cương vị người quản lý cấp cao của Hội Nhà văn và bằng sự tỏa sáng của tài năng, trí tuệ và phong cách.

Bức chân dung ấy có thể nhìn ngắm từ nhiều góc, dưới nhiều thứ ánh sáng khác nhau và ở góc nhìn nào cũng đều lấp lánh một vẻ đẹp riêng.

Phó Giáo sư, tiến ỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo về nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Thế Kỷ, cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc.

Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc.

Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống đất nước.

Những vị trí công tác mà ông từng trải qua, mọi người không chỉ khâm phục tài năng, uy tín về chuyên môn của ông mà còn quý trọng những ý tưởng, góc nhìn từ ông về xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến thời kỳ hòa bình, đổi mới.

Tài năng và cống hiến xuất sắc của Nguyễn Đình Thi cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên cả hai lĩnh vực sáng tác và lãnh đạo, quản lý, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về Văn học-nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác./.