10 sự kiện nổi bật trong năm 2023 của ngành Thuế Việt Nam
Ngành Thuế đã nỗ lực và chủ động, linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm góp phần ‘nuôi dưỡng nguồn thu’ và quyết tâm thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao.
Ngày 22/12, Tổng cục Thuế đã công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2023.
Đây là những kết quả quan trọng, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của ngành Thuế trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thu ngân sách vượt dự toán được giao
Năm 2023, dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ về thuế đồng thời xác định đây là các giải pháp cấp bách, căn cơ. Đối với công tác thu ngân sách, ngành Thuế đã nỗ lực và chủ động, linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm vừa góp phần ‘nuôi dưỡng nguồn thu’, vừa quyết tâm thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao.
Kết quả, tổng thu ngân sách do Cơ quan Thuế quản lý đến ngày 20/12 đạt xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán. Theo đó, tổng số thu cả năm ước đạt và vượt mức chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao khoảng 5,5% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022.
Hỗ trợ kịp thời cộng đồng doanh nghiệp và người dân
Trong năm, ngành Thuế đã chủ động đề xuất tham mưu ban hành và triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ về thuế năm 2023 là 165.026 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn là 106.946 tỷ đồng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 58.080 tỷ đồng.
Đẩy nhanh Chiến lược cải cách hệ thống thuế
Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.
Tổng cục Thuế thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Tổng cục và các Cục Thuế để tăng cường công tác tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Tiên phong Chuyển đổi Số
Năm 2023 đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình Chuyển đổi Số công tác quản lý thuế, như triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); triển khai Số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động Thương mại Điện tử, kinh doanh trên Nền tảng Số và triển khai mở rộng chương trình Hóa đơn Điện tử từ máy tính tiền, sử dụng Hóa đơn Điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Năm 2023, Tổng cục Thuế tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh “Dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” là một trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc đáp ứng tốt nhất các tiêu chí “toàn trình” và “toàn dân.”
Với việc lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế nghiên cứu xây dựng phát triển, ngành Thuế đã cho thấy công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý là bước cụ thể hóa mục tiêu Chuyển đổi Số toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Thuế tối thiểu toàn cầu
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các tập đoàn đa quốc gia trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngày 29/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở Thuế toàn cầu (Thuế tối thiểu toàn cầu).
Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và đưa hệ thống thuế theo sát với thông lệ quốc tế.
Đồng hành và tôn vinh người nộp thuế
Thực hiện phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ,” toàn ngành Thuế đã phát triển thêm các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ dựa trên Nền tảng Số để mở rộng diện tiếp cận với người nộp thuế. Cùng với việc công bố danh sách xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022.
Việc biểu dương kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân, không chỉ thể hiện sự trân trọng của Cơ quan Thuế đối với đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp với sự nghiệp thu ngân sách, mà còn tạo sự lan tỏa, dẫn dắt những người nộp thuế khác nỗ lực vươn lên, chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế.
Thu ngân sách tăng mạnh trong Thương mại Điện tử
Ngành Thuế tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động Thương mại Điện tử và các nhà cung cấp nước ngoài. Thống kê đến nay, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Đối với Cổng thông tin thương mại điện tử, tính đến cuối năm 2023, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch Thương mại Điện tử cung cấp thông tin. Số thuế kê khai của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch Thương mại Điện tử trong năm 2023 đã tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, số thu từ Thương mại Điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch Thương mại Điện tử với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.
Khai thác hiệu quả Hệ thống Hóa đơn Điện tử
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chống thất thu ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu ban hành các quy định, trình quản lý thuế theo cơ chế rủi ro. Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TCT ngày 12/01/2023 về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; Quyết định số 86/QĐ-TCT ngày 08/02/2023 về Quy trình thu thập, khai thác thông tin phục vụ quản lý rủi ro; Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Với việc ban hành đồng bộ các cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả chống thất thu ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đã tiến một bước dài trong công tác quản lý rủi ro đối với tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.
Cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa
Ngành Thuế đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa toàn diện, hiệu quả, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa tiếp tục được cắt giảm từ 304 xuống còn 235 thủ tục và được cập nhật công khai lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và trên các Cổng/Trang thông tin điện tử của Cơ quan Thuế.
Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Công an triển khai chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân và cơ sở dữ liệu dân cư để thống nhất sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.
Thành viên thứ 147 Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế
Ngày 22/3 tại Paris (Pháp), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) với Việt Nam. MAAC được OECD và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010 để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh châu Âu (EU) được tham gia ký MAAC.
Đây là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay, quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế và các hình thức không tuân thủ khác, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin với các bên tham gia Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế./.