10 sự kiện nổi bật của ngành tư pháp trong năm 2024

Năm 2024 là năm ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã ký Quyết định số 2596/QĐ-BTP phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành tư pháp.

10 sự kiện nổi bật gồm:

1. Bộ Tư pháp vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc về công tác tư pháp và pháp luật

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Trước những cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm,” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

2. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển

Năm 2024, Bộ, ngành tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật; đồng thời đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó có nhiều dự án luật, nghị quyết được xây dựng theo tinh thần, tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam, kịp thời thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Để triển khai các luật, pháp lệnh, nghị quyết trên, lần đầu tiên, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ tổ chức thành công 2 Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Năm 2024 cũng là năm ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của Bộ, ngành Tư pháp trong việc thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đã thẩm định 152 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định là 222 văn bản; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 văn bản và các Phòng Tư pháp thẩm định là 1.124 văn bản.

3. Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát triển

Đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; được củng cố, kiện toàn, được quan tâm quy hoạch, bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương.

Đặc biệt là việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông qua chức danh pháp chế viên tại các tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.

4. Bộ Tư pháp đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ (Par-index)

Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 17/4/2024, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trở lại xếp thứ 1/17 bộ. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

Kết quả trên là sự ghi nhận cho nỗ lực của Bộ trong việc đẩy mạnh đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

5. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay

Năm 2024, kết quả thi hành án tăng đều trên tất cả phương diện với tổng số thi hành hơn 1 triệu việc (trong đó số có điều kiện thi hành hơn 739.000 việc, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 620.000 việc đạt gần 84%, thu, xử lý hơn 116.000 tỷ đồng đạt gần 52%; thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng hơn 30.544 tỷ đồng.

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 22.177 tỷ đồng...).

Quang cảnh Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

6. Tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024

Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.”

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lắng nghe ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình thực hiện; đồng thời giải đáp, trả lời và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Diễn đàn là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2024, là điểm nhấn của công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam.

7. Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Ngày 5/11/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển và là thành quả, sự quyết tâm, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và Bộ Tư pháp.

Bộ Pháp điển gồm 45 chủ đề với 271 đề mục, được tập hợp, sắp xếp, cập nhật chính xác, khoa học, kịp thời các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành theo các nhóm quan hệ xã hội, lĩnh vực (dưới hình thức các chủ đề, đề mục) và truyền tải trên phương tiện điện tử.

8. Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp trên ứng dụng VNeID toàn quốc

Với sự đồng lòng, quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân tích cực đón nhận.

Trong hơn 2 tháng thực hiện thí điểm, người dân trên cả nước đã được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID với số lượng hơn 100.000 yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp...

9. Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng tăng cường xã hội hóa

Năm 2024, công tác xây dựng văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ đã tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua 2 Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Công chứng (sửa đổi).

10. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc

Năm 2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã được vinh danh ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.

Những kết quả đạt được về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm đã góp phần tích cực vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, hiện đại với chi phí và rủi ro thấp, tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị mới từ các dữ liệu số cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế./.