1 triệu ha lúa chất lượng cao: Gạo giảm phát thải loay hoay tìm đầu ra
Sau khi thu hoạch 50ha tại Cần Thơ tham gia Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, đến nay gạo "giảm phát thải" vẫn còn nằm trong kho doanh nghiệp và chưa có đầu ra.
Cần Thơ là địa phương đầu tiên tham gia thực hiện thí điểm Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án).
Tuy nhiên, đến nay gạo "giảm phát thải" vẫn còn nằm trong kho doanh nghiệp và chưa có đầu ra.
Tiêu thụ thị trường nội địa
Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) là doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân tham gia thí điểm đề án.
Kết thúc vụ lúa thí điểm, công ty này đã mua được 80 tấn lúa OM5451 của nông dân.
Với sản lượng lúa thu mua được, công ty này đã đem về nhà máy xay xát được khoảng 35 tấn gạo và vẫn còn lưu trữ trong kho, chưa bán ra thị trường.
Theo đại diện Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, kết quả kiểm tra, phân tích mẫu gạo cho thấy các chỉ số không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu.
Vì vậy, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật dự kiến tiêu thụ gạo ở thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, cho biết hiện nay, công ty được một số đối tác đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm gạo giảm phát thải ngang bằng với giá gạo thông thường.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn hàng gạo giảm phát thải nào được đối tác mua.
Là hợp tác xã đầu tiên của Cần Thơ thực hiện thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo đề án, Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Vĩnh Thạnh đã kết thúc vụ lúa thí điểm đầu tiên và đang sản vụ Thu Đông 2024.
Theo thỏa luận liên kết, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật sẽ thu mua khoảng 380 tấn lúa của 50ha diện tích lúa tham gia thí điểm nhưng thực tế doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chỉ thu mua được 80 tấn lúa.
Số lúa còn lại nông dân tự do bán, doanh nghiệp từ chối mua (vì lúa không đạt, lúa bị ngã đổ,...).
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận, do thời điểm thu hoạch lúa vụ Hè Thu gặp mưa kéo dài nên công ty liên kết bao tiêu không thể thu mua kịp thời hết tất cả 380 tấn lúa như đã ký kết. Nông dân vẫn vui vẻ bán cho bên ngoài vì đây là vụ lúa đầu tiên vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
"Mỗi ký lúa bán cho công ty liên kết giá 7.000 đồng/kg thì bán cho thương lái bên ngoài cũng bằng với giá đó," ông Khải thông tin.
Thành phố Cần Thơ là một trong 5 địa phương đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế hỗ trợ triển khai thí điểm đề án.
Địa phương đã triển khai, thu hoạch và đánh giá kết quả vụ Hè Thu 2024 và đang triển khai vụ thứ 2 (vụ Thu Đông).
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, đề án triển khai đón nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà khoa học,...
Vụ lúa đầu tiên được thu hoạch với nhiều kết quả khả quan. Người dân áp dụng các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện mô hình thí điểm: tổng lượng giống gieo sạ khoảng 60kg/ha, giảm gần 50% so với canh tác truyền thống; giảm 30% lượng phân bón; giảm từ 1-2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn khoảng 7-10% so với ngoài mô hình.
Từ kết quả cho thấy chất lượng lúa được nâng lên, nông dân tăng lợi nhuận từ 3 - 5 triệu đồng/ha...
Ngoài ra, theo số liệu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, khi áp dụng các gói kỹ thuật trong canh tác lúa như "1 phải, 5 giảm" (phải sử dụng giống cấp xác nhận, giảm lượng giống, giảm lượng nước, giảm lượng phân bón, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch) thì tổng lượng khí phát thải đo được đã giảm từ 2-6 tấn CO2 tương đương/ha.
Kỳ vọng thị trường gạo giảm phát thải
Sau canh tác thí điểm 50ha đầu tiên, các bên liên quan cũng nhận ra những vấn đề bất cập, khó khăn cần tiếp tục khắc phục: vận động nông dân ở các thửa ruộng liền kề tham gia đề án; giải pháp thu gom rơm trên đồng ruộng đòi hỏi phải có hiệu quả kinh tế...
Đánh giá 35 tấn gạo giảm phát thải cho chất lượng gạo tốt, tuy nhiên theo Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, nếu ở phân khúc thị trường thông thường, thì gạo giảm phát thải không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Tuy nhiên, khi gạo được công ty đem test mẫu, phân tích và đưa vào phòng thí nghiệm cho thấy còn một số vấn đề cần được cải thiện trong quy trình canh tác lúa (xây dựng quy trình canh tác kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) để hạt gạo đáp ứng xuất khẩu sang được các thị trường khó tính.
Với vụ thí điểm đầu tiên, ông Nguyễn Văn Nhựt cho rằng do vụ Hè Thu thời tiết không thuận lợi (mưa, gió).
Việc sản xuất lúa giảm phát thải vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên cần có thời gian đánh giá. Kỳ vọng trong vụ Thu Đông và Đông Xuân sẽ có diễn biến tích cực.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng để hướng đến sản xuất 1 triệu ha lúa thì bước đầu cần tập trung sản xuất lúa giảm phát thải, sản phẩm gạo giảm phát thải theo xu thế toàn cầu cũng như đúng theo cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Khi làm tốt điều này mới hướng đến bước tiếp theo là sản xuất lúa chất lượng cao, gạo chất lượng cao.
Đề cập về đầu ra đối với gạo giảm phát thải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Trần Thái Nghiêm nhận định trong giai đoạn hiện nay, gạo phát thải thấp chưa hình thành, các thị trường gạo phát thải thấp chưa áp dụng nhiều.
Kỳ vọng khi thị trường áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn gạo phát thải thấp và thương hiệu gạo phát thải được quảng bá sẽ mở rộng được thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Và khi đề án với sản phẩm gạo chất lượng cao sẽ giúp cho doanh nghiệp có được uy tín để tiếp tục phát triển thị trường; thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các vùng sản xuất lúa; giúp doanh nghiệp yên tâm đàm phán hợp đồng trong vùng nguyên liệu sẵn có để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Với những kết quả đạt được từ vụ lúa đầu tiên, thành phố Cần Thơ đang phối hợp với các đơn vị liên quan, sự ủng hộ các tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhân rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải vụ Đông Xuân 2024-2025 trên địa bàn các huyện tham gia đề án (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai).
Bên cạnh đó, địa phương cũng củng cố hệ thống tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của tổ chức nông dân, hợp tác xã, tổ khuyến nông cộng đồng. Hiện nay, thành phố cũng đang kết nối hình thành các hệ sinh thái doanh nghiệp tham gia đề án (doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp bao tiêu lúa, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng các nền tảng công nghệ để thúc đẩy liên kết...)./.