Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển bền vững đất nước

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Ngày 02/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”. 

Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Năm 2023 đánh dấu 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng là dịp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh dấu chặng đường lịch sử 75 năm hình thành, phát triển, đồng hành xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến dân tộc, hội nhập văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, chỉ ra những thành tựu, hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo của Đề cương là “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa” nền văn hóa. Khẳng định vai trò là “một bộ phận tinh tế, cốt lõi của văn hóa”, đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức cần phải không ngừng vượt lên trong bối cảnh quốc tế và quốc gia chuyển biến mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi, thách thức mới để phát huy giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Phát biểu tại Toạ đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, dưới sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn.

Đồng chí đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về bản chất, đặc trưng của văn học, nghệ thuật, nhất là về vị trí, vai trò của lĩnh vực quan trọng này đối với sự phát triển bền vững đất nước. Văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn, có khả năng điều chỉnh sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.

Bên cạnh đó, quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; tập trung cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ. Vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa thành luật và những cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo để phát huy cao nhất tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Tiếp tục nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là công chúng trẻ; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đối với các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật trong bối cảnh mới để tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này phù hợp với tình hình thực tiễn./.