Tiền Giang: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; lấy hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đơn vị và địa phương đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các chỉ thị, quy định của Trung ương như: Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định 11-QÐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân.
Theo đó, toàn tỉnh đã tổ chức được 20.939 hội nghị với 740.010 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia quán triệt; đồng thời, lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp cơ quan, chi bộ, hội nghị, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ,… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; hạn chế được việc có đơn thư khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm định kỳ làm việc với lãnh đạo các cơ quan nội chính, cấp ủy cùng cấp để nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc. Các cơ quan tư pháp đều có quy chế phối hợp, tạo mối quan hệ mật thiết nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, giải quyết kịp thời vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân trong lĩnh vực hoạt động tư pháp; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp ủy cho chủ trương, định hướng xử lý, giải quyết hiệu quả những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và hệ thống đài phát thanh cấp xã thường xuyên đăng tải thông tin, kết quả đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân và định hướng dư luận về kết quả giải quyết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương.
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân; đảm bảo mỗi cán bộ, công chức hiểu biết sâu về pháp luật, bản lĩnh, nhạy bén trong xử lý tình huống, phân tích, đánh giá, tham mưu, đề xuất, giải quyết yêu cầu chính đáng của công dân đúng quy định; quan tâm bố trí địa điểm, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt việc tiếp công dân; xây dựng, kiện toàn Ban Tiếp công dân tỉnh, địa điểm tiếp công dân các huyện, thành, thị từng bước chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt chế độ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn.
Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý điểm nóng ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với 340 lượt người dự; 8 lớp tập huấn phần mềm quản lý công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 203 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và công chức cấp xã quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Tỉnh đã tổ chức tọa đàm về công tác bồi thường, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 60 lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng thẩm quyền, đảm bảo trình tự, thủ tục. Công tác kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại, tố cáo thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch. Quá trình giải quyết các vụ việc chú trọng thực hiện tốt việc đối thoại với công dân, vận động linh hoạt, phù hợp các chính sách, pháp luật để giải quyết dứt điểm vụ việc. Việc tổ chức đối thoại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đảm bảo đúng quy trình, quy định về trình tự, thủ tục, hình thức, nội dung; công khai kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại. Kết luận nội dung tố cáo ban hành đúng hình thức, đầy đủ nội dung; việc công khai kết luận nội dung tố cáo, gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo và thông báo kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo đúng quy định, đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và bảo vệ bí mật nhà nước.
Về công tác bảo vệ người tố cáo, thời gian qua, tỉnh không có trường hợp người tố cáo bị trù dập, trả thù; không phát hiện việc lợi dụng tố cáo tham nhũng gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác. Các cơ quan, đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, bảo vệ người tố cáo nhằm bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là hoạt động hết sức quan trọng, Đảng và Nhà nước, cán bộ, công chức tiếp nhận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giải đáp kịp thời những vướng mắc trong Nhân dân sẽ góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo phát sinh, vượt cấp, đồng thời giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật./.
Tấn Quân
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang