Thanh Hoá: Tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt trong hoạt động xuất bản... Đây là những giải pháp trọng tâm được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả thời gian qua, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày Triển lãm sách, báo Xuân Giáp Thìn 2024.

Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Từ năm 2004 đến nay, chất lượng các xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, tập trung khai thác đa dạng các đề tài về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa. Trong đó, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã xuất bản được 8.983 đầu sách với 24.095.664 bản; liên kết xuất bản, phát hành 1.950 mẫu lịch các loại với 30.891.100 bản; cấp giấy phép xuất bản với gần 5.000 ấn phẩm tài liệu không kinh doanh, trung bình 250 ấn phẩm/năm; một số xuất bản phẩm có giá trị đạt giải thưởng quốc gia, được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao, tiêu biểu như sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” đạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia 2021.

Các trung tâm phát hành sách chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình sách phục vụ người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, đã có 63 đầu sách, với 145.976 bản chuyển đến đơn vị văn hóa cấp xã, 31 đồn biên phòng, đơn vị bộ đội, công an, 693 thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở, 739 thư viện trường trung học phổ thông và 31 thư viện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức Triển lãm sách.

Hệ thống thư viện, phòng đọc trên địa bàn tỉnh được xây dựng, củng cố. Tại các xã, phường, thị trấn đã xây dựng Tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách có khoảng từ 300 - 500 đầu sách; hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có trên 100 điểm cung cấp truy cập Internet, phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Hệ thống thư viện, phòng đọc trong các trường học, cơ quan được đầu tư nâng cấp, số lượng sách, tài liệu tuyên truyền được bổ sung thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các đối tượng người đọc. Hiện nay, các sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện phục vụ bạn đọc đã được số hoá, sử dụng phần mềm máy tính kết nối mạng để tra cứu, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác; các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sách đến bạn đọc thông qua các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đọc trong tình hình mới.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành xuất bản được các cấp ủy đảng quan tâm thực hiện thường xuyên. Hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản; qua đó trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành xuất bản, in, phát hành ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị xuất bản được đầu tư tương xứng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở xuất bản, in, phát hành như: Xây dựng trụ sở nhà in Báo Thanh Hoá, Thư viện tổng hợp, thành lập Công ty phát hành sách Thanh Hóa, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa... Cùng với việc chuyển đổi thành công các mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường, nhiều đơn vị, cơ sở in đã chủ động đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động hợp tác liên kết với các đối tác trong và ngoài tỉnh trong hoạt động in, xuất bản, phát hành được tăng cường. Việc biên soạn tài liệu tuyên truyền phục vụ cho các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, kinh tế với một số quốc gia trong khu vực được các ngành, đơn vị trong tỉnh thực hiện đạt kết quả tốt.

Cùng với đó, công tác xã hội hóa hoạt động xuất bản đã phát huy được lợi thế trong việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất bản, thông qua các hình thức cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí xuất bản sách, tổ chức quảng bá các ấn phẩm giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người của địa phương, xây dựng các hiệu sách, tủ sách, thư viện tại thôn, tổ dân phố…

Các hoạt động tổ chức quảng bá, giới thiệu các đầu sách mới, có giá trị; mở các đợt giảm giá sách để thu hút người đọc; tổ chức cấp phát sách tài trợ tại các huyện miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, trưng bày, xuất bản nhiều cuốn sách hay, có giá trị đến với người đọc trong và ngoài tỉnh nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được triển khai đồng bộ.

Học sinh tham quan khu trưng bày sách, báo.

Những kết quả đáng ghi nhận qua 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục phát huy vai trò của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản trong tình hình mới, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt.

Hai là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nhất là việc giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hình thành thói quen sử dụng sách và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.

Ba là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động xuất bản, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu của hoạt động xuất bản; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ quan, đơn vị xuất bản để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới./.

Tùng Anh – Hải Yến

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa