Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa chủ trương của Đảng về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 152-HD/BTGTW, ngày 5/4/2024 về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.
Theo Hướng dẫn số 152-HD/BTGTW, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội quần chúng căn cứ nội dung của Chỉ thị số 29-CT/TW và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của từng cấp, ngành, địa phương với các nội dung trọng tâm sau:
1. Tuyên truyền, quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trong thời gian tới; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc để bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; cung cấp kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, người trong độ tuổi lao động thích ứng với những thay đổi của xã hội; tư vấn về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông hiểu, biết và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng, hoàn cảnh. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa chủ trương của Đảng về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo sự đồng bộ, liên thông giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới chính sách về tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông. Sắp xếp mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học, trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; lớp dân lập, tư thục ở khu đô thị đông dân cư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở. Khuyến khích xã hội hóa, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.