Tạo đột phá mạnh mẽ cho xuất khẩu nông sản Gia Lai

Chủ trì Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế”, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị địa phương cần khẩn trương hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn, biến tiềm năng thành lợi thế đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh…

Tọa đàm do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai tổ chức ngày 17/10, là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, đánh giá những kết quả mà hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai đã thực hiện được trong thời gian qua; phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như nguyên nhân để từ đó khắc phục những hạn chế, phát huy những mặt tích cực và đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những đột phá trong xuất khẩu nông sản.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh về nông, lâm nghiệp với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, có hơn 837.643 ha đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị. Tỉnh hiện cũng đang sản xuất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, trái cây các loại...; bên cạnh đó còn có nhiều loại rau củ, nông sản khác đã và đang là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông sản của địa phương.

Ngành nông nghiệp của Gia Lai đang tạo ra được nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, đặc trưng theo từng vùng. Hiện toàn tỉnh có 409 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao, trong đó có: 59 sản phẩm đạt 4 sao và 350 sản phẩm đạt 3 sao. Các mặt hàng nông sản của Gia Lai đã và đang xuất khẩu với mức tăng trưởng khả quan sang thị trường của gần 40 quốc gia trong đó đặc biệt đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70% - 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nói trên.

Đồng chí Phan Xuân Thủy cho rằng, cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp Gia Lai hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ...”. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với các doanh nghiệp, nông dân thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Với tỉnh Gia Lai, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển cần khẩn trương triển khai, đó là hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn, biến tiềm năng thành lợi thế đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói riêng.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương cùng trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, khách quan và tâm huyết những vấn đề về thực trạng, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức và hướng giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để giúp cho ngành nông nghiệp Gia Lai có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Quang cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” có sự tham gia của hơn 200 đại biểu với 20 tham luận của các đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp.

Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã làm rõ nhiều vấn đề như: Những thuận lợi, khó khăn từ những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Gia Lai đối với phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những loại cây trồng chủ lực và có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế lớn; cơ sở lý luận về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của vùng; so sánh thế mạnh của nông sản Gia Lai so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và trong sự phát triển chung của cả nước; hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn, việc đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạng lưới logistic tạo điều kiện xuất khẩu nông sản phát triển...