Quy chế hoạt động Báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN CỦA ĐẢNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 973 - QĐ/BTGTW, ngày 15/12/2021
của Ban Tuyên giáo Trung ương)
PHẦN THỨ NHẤT
BÁO CÁO VIÊN CỦA ĐẢNG
Điều 1. Báo cáo viên
1. Báo cáo viên của Đảng là người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có kỹ năng, phương pháp tuyên truyền miệng, do cấp ủy đảng lựa chọn và công nhận; thực hiện công tác tuyên truyền miệng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; do Ban Tuyên giáo cùng cấp và cấp trên hướng dẫn, quản lý, tổ chức hoạt động.
2. Báo cáo viên được tổ chức theo 3 cấp: Báo cáo viên Trung ương; Báo cáo viên tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Báo cáo viên cấp tỉnh); Báo cáo viên huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy (gọi tắt là Báo cáo viên cấp huyện).
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự trong nước và thế giới; những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
2. Nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân; định hướng tư tưởng và dư luận xã hội; góp phần xây dựng, củng cố sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
3. Đối thoại và kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
4. Tuyên truyền các nội dung thông tin theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, sự phân công của cấp ủy đảng cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên.
5. Tham mưu nội dung, phương thức, cách thức tuyên truyền miệng cho cấp ủy đảng để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền của địa phương, cơ quan, đơn vị.
6. Đấu tranh phê phán, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.
Điều 3. Quyền lợi và nghĩa vụ
1. Quyền lợi:
a. Được cung cấp thông tin, tài liệu chính thống; được trang bị các phương tiện kỹ thuật phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền miệng.
b. Được tham dự các hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo cùng cấp và cấp trên tổ chức; được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng hàng năm.
c. Được trả thù lao khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng theo quy định của Đảng, Nhà nước và hưởng phụ cấp theo quy định tại Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW-BTGTW ngày 15/8/2011 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp.
2. Nghĩa vụ:
a. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng theo sự phân công của cấp ủy đảng; thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác và kịp thời các nội dung được giao; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật phát ngôn; giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà nước; không lợi dụng danh nghĩa báo cáo viên để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao nhằm mục đích vụ lợi hoặc lợi dụng hoạt động thông tin tuyên truyền để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tham mưu, đề xuất với cấp ủy trực tiếp về nội dung, hình thức hoạt động của báo cáo viên.
b. Tăng cường đối thoại với cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại các diễn đàn phù hợp để làm rõ và bảo vệ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội dung chuyên đề mà mình trình bày.
c. Thường xuyên nắm dư luận xã hội, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn, góp phần bồi đắp niềm tin, giữ gìn, củng cố sự đồng thuận xã hội; khi phát hiện những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của Nhân dân thì kịp thời phản ánh và đề xuất, kiến nghị với ban tuyên giáo cùng cấp các biện pháp xử lý.
d. Tham gia đầy đủ các hội nghị báo cáo viên và các hoạt động báo cáo viên khi được phân công.
e. Định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả hoạt động tuyên truyền miệng với ban tuyên giáo cùng cấp.
Điều 4. Tiêu chuẩn
Báo cáo viên của Đảng phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, sức khoẻ và năng lực, trình độ chuyên môn.
1. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
a. Có lập trường quan điểm đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng; bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b. Có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn.
c. Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công tác tuyên truyền của Đảng; khiêm tốn học hỏi, gương mẫu về đạo đức và lối sống, có mối quan hệ gần gũi, sâu sát, gắn bó với Nhân dân.
d. Gương mẫu trong học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Về năng lực, trình độ
a. Nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân đối với báo cáo viên cấp trung ương và báo cáo viên cấp tỉnh; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đối với báo cáo viên cấp huyện.
b. Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; có hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
c. Có hiểu biết thực tiễn; có năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin; sử dụng hiệu quả tâm lý học, phương pháp sư phạm, công nghệ thông tin và nghiệp vụ tuyên truyền miệng vào hoạt động báo cáo viên.
d. Có khả năng truyền đạt, trình bày thông tin một cách rõ ràng, thuyết phục; nhiệt tình, chủ động trong quá trình đối thoại với người nghe, với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Điều 5. Cấp ủy đảng các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của báo cáo viên; quyết định công nhận báo cáo viên và tạo điều kiện cho báo cáo viên hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
Điều 6. Ban Tuyên giáo các cấp giúp cấp ủy đảng xây dựng, tổ chức quản lý và trực tiếp điều hành hoạt động báo cáo viên, chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng về toàn bộ hoạt động báo cáo viên, bao gồm:
1. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên
a. Cấp ủy đảng các cấp lựa chọn cán bộ, đảng viên đủ tiêu chuẩn để xây dựng đội ngũ báo cáo viên của cấp mình đủ số lượng, đúng thành phần, đáp ứng yêu cầu công tác theo Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW-BTGTW, ngày 15/8/2011.
b. Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định công nhận báo cáo viên Trung ương, trên cơ sở đề nghị của ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương (sau khi có ý kiến của Thường trực cấp ủy); ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
2. Tổ chức hoạt động báo cáo viên
Căn cứ sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, yêu cầu thực tiễn và tình hình nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, định hướng thông tin của cấp trên, Ban tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện:
a. Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch hằng tháng, năm để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền miệng.
b. Tổ chức hội nghị báo cáo viên hoặc tổ chức tiếp phát hội nghị báo cáo viên Trung ương trực tuyến định kỳ hằng tháng (đột xuất) ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện để cung cấp thông tin cho báo cáo viên theo từng cấp.
c. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
d. Biên tập và phát hành các loại tài liệu phục vụ cho hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên.
Điều 7. Quản lý đội ngũ báo cáo viên
1. Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo tham mưu giúp Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý báo cáo viên Trung ương; cung cấp thông tin và hướng dẫn hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên trong toàn Đảng.
2. Đơn vị tham mưu lĩnh vực công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên thuộc Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy giúp Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy cung cấp thông tin, quản lý, hướng dẫn chỉ đạo hoạt động của báo cáo viên cấp tỉnh.
3. Ban Tuyên giáo huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy và tương đương giúp cấp ủy quản lý đội ngũ báo cáo viên cấp huyện; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin và tổ chức hội nghị báo cáo viên; hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động báo cáo viên trên địa bàn.
4. Ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện việc xây dựng, kiện toàn, quản lý, tổ chức hoạt động đội ngũ báo cáo viên theo sự phân cấp quản lý.
5. Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Quân ủy Trung ương; Cục Công tác đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an giúp Đảng ủy Công an Trung ương cung cấp thông tin, hướng dẫn hoạt động và quản lý đội ngũ báo cáo viên trong Công an nhân dân (theo quy chế riêng).
6. Cơ quan quản lý báo cáo viên trình cấp ủy quyết định đưa ra khỏi danh sách những báo cáo viên không thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng; không tham dự đủ 50% số hội nghị báo cáo viên do ban tuyên giáo cùng cấp tổ chức trong một năm (trừ trường hợp có lý do chính đáng).
Điều 8. Quản lý hoạt động báo cáo viên
Ban Tuyên giáo các cấp có trách nhiệm:
1. Kiến nghị, đề xuất với cấp ủy đảng những vấn đề về nội dung hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
2. Định hướng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên.
3. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên.
4. Theo dõi, kiểm tra hoạt động của báo cáo viên, quản lý thông tin trong toàn bộ hệ thống báo cáo viên.
5. Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên; nghiên cứu khoa học về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
6. Kịp thời đề xuất với cấp ủy đảng bổ sung và thay thế những báo cáo viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác, không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc không đủ điều kiện đảm nhiệm công tác tuyên truyền miệng.
Điều 9. Thẻ báo cáo viên
1. Thẻ báo cáo viên là chứng chỉ cho phép hoạt động tuyên truyền miệng được cấp cho báo cáo viên. Thẻ báo cáo viên được cấp theo nhiệm kỳ đại hội Đảng; được bổ sung khi có kiện toàn, thay thế báo cáo viên. Thẻ không còn giá trị và được thu hồi trong trường hợp báo cáo viên đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác hoặc không đủ điều kiện làm báo cáo viên.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương cấp thẻ cho đội ngũ báo cáo viên Trung ương.
3. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Ban Tuyên giáo huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh và các cấp ủy đảng tương đương cấp thẻ cho báo cáo viên cùng cấp (nếu cần thiết).
4. Cơ quan cấp thẻ báo cáo viên đồng thời có quyền thu hồi thẻ báo cáo viên đối với những trường hợp không chấp hành đầy đủ các quy định trong hoạt động báo cáo viên được quy định tại Điều 6 Quy chế này.
5. Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cấp thẻ dự hội nghị báo cáo viên Trung ương cho cán bộ làm công tác tham mưu tuyên truyền miệng thuộc ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng ở một số cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương.
PHẦN THỨ HAI
TUYÊN TRUYỀN VIÊN NÒNG CỐT CỦA CẤP ỦY CƠ SỞ ĐẢNG
Điều 10. Tuyên truyền viên nòng cốt của cấp ủy cơ sở đảng (sau đây gọi là tuyên truyền viên cơ sở)
1. Tuyên truyền viên cơ sở là đảng viên do cấp ủy cơ sở đảng lựa chọn và ra quyết định công nhận, thực hiện công tác tuyên truyền miệng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi ủy nơi sinh hoạt và cấp ủy cơ sở đảng; theo sự hướng dẫn của ban tuyên giáo cấp huyện về hoạt động tuyên truyền miệng.
2. Tuyên truyền viên cơ sở được tổ chức từ các chi bộ (thôn, xóm, làng, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học...) thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn và tương đương.
3. Việc thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở do các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương chỉ đạo thực hiện.
Điều 11. Nhiệm vụ
1. Trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động từng người, từng nhóm người trong sinh hoạt, học tập, lao động, công tác để thực hiện đúng theo chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, phản ánh với cấp ủy đảng.
3. Trao đổi, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của đảng bộ các cấp và của chi bộ nơi sinh hoạt.
4. Tuyên truyền các nội dung thông tin theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công trực tiếp của chi ủy chi bộ nơi sinh hoạt và cấp ủy đảng các cấp; theo sự hướng dẫn của ban tuyên giáo các cấp.
5. Đấu tranh phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Điều 12. Quyền lợi và nghĩa vụ
1. Quyền lợi
a. Được cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình thế giới, trong nước, địa phương và các tài liệu cần thiết theo quy định.
b. Được tham dự các hội nghị thông tin thời sự, hội nghị tuyên truyền do cấp ủy cơ sở triệu tập và ban tuyên giáo cấp trên mời; được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng.
c. Được trả chế độ thù lao, bồi dưỡng khi tham gia nhiệm vụ tuyên truyền miệng. Mức chi trả do tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình, điều kiện thực tế của địa phương quyết định.
2. Nghĩa vụ
a. Tham gia đầy đủ các hội nghị, các hoạt động tuyên truyền khi được phân công.
b. Định kỳ 6 tháng/lần, báo cáo kết quả hoạt động tuyên truyền miệng với cấp ủy đảng.
Điều 13. Tiêu chuẩn
Tuyên truyền viên cơ sở là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ, năng lực chuyên môn để thực hiện tuyên truyền miệng.
1. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
a. Có lập trường quan điểm đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng; bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b. Có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn.
c. Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ được giao; gương mẫu về đạo đức và lối sống, có mối quan hệ gần gũi, sâu sát, gắn bó với Nhân dân.
d. Gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Về năng lực, trình độ
a. Có trình độ lý luận chính trị sơ cấp trở lên đối với tuyên truyền viên ở các chi bộ, đảng bộ thuộc loại hình cơ quan Đảng, hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp. Đối với tuyên truyền viên các chi bộ thôn, xóm, làng, bản, khóm, ấp, tổ dân phố cần nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b. Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên đối với tuyên truyền viên ở các chi bộ, đảng bộ thuộc loại hình cơ quan Đảng, hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp. Đối với tuyên truyền viên các chi bộ thôn, xóm, làng, bản, khóm, ấp, tổ dân phố có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên; hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học.
c. Có hiểu biết thực tiễn; có năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin.
d. Có kỹ năng giao tiếp, đối thoại với người nghe, với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Điều 14. Tổ chức và quản lý hoạt động
1. Tổ chức hoạt động
- Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc xây dựng Quy chế hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên trên địa bàn đảm bảo nguyên tắc thống nhất về số lượng và phương thức quản lý, tổ chức hoạt động, chế độ, cơ chế chính sách.
- Ban Tuyên giáo cấp huyện hướng dẫn hoạt động, cung cấp thông tin, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở.
- Cấp ủy cơ sở đảng ban hành Quy chế hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên.
2. Quản lý hoạt động
a. Cấp ủy cơ sở đảng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cấp mình.
b. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên.
c. Cấp ủy đảng bổ sung và thay thế khi tuyên truyền viên nghỉ hưu, chuyển công tác sang lĩnh vực khác, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đủ điều kiện đảm nhiệm công tác tuyên truyền viên.
PHẦN THỨ BA
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 15. Khen thưởng
Căn cứ vào kết quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cơ quan quản lý báo cáo viên, tuyên truyền viên có trách nhiệm xem xét, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền miệng.
Điều 16. Kỷ luật
Căn cứ mức độ vi phạm Quy chế của báo cáo viên, tuyên truyền viên, cấp ủy đảng áp dụng các hình thức kỷ luật về Đảng, thu hồi thẻ báo cáo viên và xóa tên khỏi danh sách báo cáo viên, tuyên truyền viên./.