Phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung

“Phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung” là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị khu vực III tổ chức ngày 31/5 tại Đà Nẵng. Hội thảo nhằm nhận diện các giá trị văn hóa ở miền Trung, thảo luận, đánh giá tiềm năng, động lực; làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp, gợi mở các định hướng chính sách nhằm phát huy giá trị văn hóa cho phát triển bền vững khu vực miền Trung trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.

Miền Trung có vị trí và vai trò quan trọng trong lịch sử và trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước. Xuất phát từ đặc thù riêng có của vùng, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định: “Bảo tồn và phát huy các giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên...”. 

Các giá trị văn hóa miền Trung là sức mạnh nội sinh rất lớn của cộng đồng, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển du lịch văn hóa, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là sự tổng hợp vô cùng đa dạng, đầy bản sắc của giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, của nhiều tộc người khác nhau cư trú trên địa bàn, là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều địa phương trong vùng... Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của miền Trung nhằm khơi dậy giá trị truyền thống tốt đẹp, đánh thức tiềm năng và vận dụng nguồn lực của văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. 

Ban Tổ chức đã nhận được 30 tham luận, trong đó có 19 tham luận của các tác giả trong Học viện và 11 tham luận của các tác giả ngoài Học viện. Các tham luận đã đề cập đến khá nhiều nội dung xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo như: Quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa và phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong vùng; phát huy giá trị văn hóa của các tộc người trên địa bàn; phát huy giá trị văn hóa cụ thể ở các địa phương, hàm ý cơ chế, chính sách, nguồn lực... để phát huy các giá trị văn hóa hiệu quả..

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III phát biểu tại Hội thảo.

Để góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn những nội dung đã đề cập trong các tham luận, tại Hội thảo, các nhà khoa học và nhiều đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm như: Nhận diện giá trị văn hóa miền Trung trong hiện tại, sự thích ứng của giá trị văn hóa với quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội, vai trò và đóng góp của giá trị văn hóa trong phát triển bền vững của các địa phương thuộc miền Trung; một số vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung trong bối cảnh hiện nay; các giải pháp phát huy giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung hiện nay và thời gian tới./.