Nghiên cứu, triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Hồng
Ngày 08/11, tại tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng đồng bằng sông Hồng”.
Các đồng chí: Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), gắn với tình hình thực tiễn của Vùng đồng bằng sông Hồng; từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa nói chung, xây dựng các hệ giá trị nói riêng trong thời gian tới.
28 tham luận cũng như các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã cơ bản xác định rõ nét những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng Nhân dân triển khai thực hiện các hệ giá trị. Từ đó, xây dựng các định hướng, giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, các địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước trong giai đoạn hiện nay
Kết luận Hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Hồng. Việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các hệ giá trị tại vùng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội, phát triển nhanh và bền vững, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.
Qua phân tích, làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, nội dung, nội hàm các thành tố cơ bản, Hội thảo cũng khẳng định vai trò của từng hệ giá trị, trong đó xác định, chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng; hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, điều tiết các hệ giá trị khác.
Các tham luận cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng phẩm chất, nhân cách con người với những giá trị nổi bật “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo” đã được chú trọng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng theo định hướng giá trị “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo định hướng: “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.
Nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.