Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai” nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay…

Ngày 24/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất Đề tài “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Quang cảnh Hội thảo.

Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai” được cơ quan chủ trì giao cho nhóm nghiên cứu bắt đầu triển khai từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9/2023. Đến nay, các nội dung đề tài cơ bản được triển khai đảm bảo theo tiến độ. Đề tài gồm 10 chuyên đề đã được nhóm nghiên cứu xây dựng, từ những vấn đề lý luận chung về công tác tuyên truyền miệng (chuyên đề 1, 2), đến thực trạng tổ chức và hoạt động của lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng (chuyên đề 3, 4, 5, 6) và một số giải pháp xây dựng, tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở trong điều kiện hiện nay (các chuyên đề còn lại).

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tổ chức điều tra xã hội học tại 34 xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố; xin ý kiến đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về vấn đề xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở; tham khảo mô hình xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại cơ sở ở 4 tỉnh (Hà Giang, Điện Biên, Lâm Đồng, Đăk Nông) có sự tương đồng với tỉnh Gia Lai; xây dựng bộ tài liệu phục vụ việc tập huấn cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở chọn làm thí điểm tại 8 xã, phường...

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại Hội thảo.

13 ý kiến trực tiếp của đại biểu tại hội thảo đã cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung và tính cần thiết của đề tài. Đồng thời các đại biểu cũng tham gia bổ sung, góp ý đối với từng chuyên đề, cụ thể là thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; các giải pháp mang tính khoa học, khả thi làm cơ sở để áp dụng vào thực tiễn sau khi đề tài được nghiệm thu...

Trên cơ sở những ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thế Mạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ nhiệm Đề tài đề nghị các thành viên nhóm nghiên cứu tiếp thu một cách nghiêm túc, bổ sung, tu chỉnh để tiếp tục hoàn thiện Đề tài./.