Nắm vững và sử dụng một số kỹ năng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng

PGS. TS. Lương Khắc Hiếu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PGS.TS Lương Khắc Hiếu trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng

Tuyên truyền miệng, xét về mặt hoạt động, là một hệ thống các yếu tố. Hệ thống đơn giản của hoạt động này bao gồm các yếu tố chủ yếu như: người nói/ chủ thể - nội dung/ thông điệp - phương tiện/ kênh - người nghe/ đối tượng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, người nói cần nắm vững đặc điểm đối tượng người nghe, thiết kế nội dung, lựa chọn, sử dụng phương tiện, công cụ và các phương pháp tác động phù hợp với đối tượng. Vì vậy, các kỹ năng chủ yếu cần sử dụng, vận dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng bao gồm các kỹ năng trong thiết kế, trình bày nội dung, lựa chọn phương tiện lời nói, phương tiện kỹ thuật, công nghệ và các phương tiện, phương pháp cần thiết khác nhằm chuyển tải nội dung đến đối tượng.   

1. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói

Trong tuyên truyền miệng, ngôn ngữ là công cụ, phương tiện quan trọng nhất đảm bảo cho báo cáo viên và cán bộ tuyên truyền thực hiện mục đích hoạt động của mình. Bằng ngôn ngữ, người báo cáo viên chuyển tải thông tin, thu hút sự chú ý, kích thích hoạt động tư duy và sự suy nghĩ của người nghe, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nhận thức của đối tượng và cổ vũ họ đi tới những hành động tích cực, tự giác, sáng tạo. Để sử dụng có hiệu quả lời nói, nâng cao chất lượng bài nói, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền cần hiểu những đặc điểm của ngôn ngữ nói, phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, biết vận dụng linh hoạt các đặc điểm của ngôn ngữ nói trong các phát ngôn của mình để lời nói tác động có hiệu quả đến đối tượng. Ngôn ngữ nói của báo cáo viên có các đặc điểm chủ yếu sau:

Một là, tính hội thoại, phù hợp với đặc điểm tri giác thông tin của người nghe qua thính giác

Do đặc điểm tâm, sinh lý của việc tri giác thông tin bằng thính giác, một mệnh đề càng dài, càng phức tạp thì người nghe càng khó tiếp thu, ghi nhớ. Sử dụng câu ngắn, câu đơn giản sẽ làm cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu vấn đề. Chính vì vậy, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tuyên truyền miệng, báo cáo viên cần rèn luyện kỹ năng đặt câu đơn giản, câu ngắn, tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất đặt câu phức tạp, câu dài, kể cả câu có mệnh đề phụ quá dài. Khi đọc, nếu gặp những bài viết sử dụng câu dài, câu phức tạp, thì báo cáo viên cần chuyển thể các câu phức tạp, câu dài trong văn bản viết thành các câu văn ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với việc tri giác thông tin qua thính giác của người nghe.

Khi đặt câu văn nói, những thông tin quan trọng không nên đặt ở đầu câu và cuối câu. Do đặc điểm của sự chú ý, nếu đặt những thông tin quan trọng ngay ở đầu câu, thì khi bắt đầu nói, người nghe có thể chưa chú ý, thông tin bị thất lạc, cho nên chỉ đưa thông tin vào câu sau 2-3 từ đầu tiên. Cũng không nên đặt thông tin quan trọng ở cuối câu vì nghe đến cuối câu, thính giả có thể đã giảm thiểu sự chú ý, thông tin cũng có thể bị thất lạc. Do đó cần lùi những thông tin quan trọng trước 2 – 3 từ cuối câu. Chặng hạn, một bản tin viết như sau: “130 ngàn dân đã phải sơ tán khỏi Guy am vì một cơn bão mạnh với sức gió 145 km/giờ và lúc cơn giật lên tới 225/km/giờ”. Đây là câu văn viết cho bạn đọc. Nếu dùng thông tin của đoạn văn trên để đọc hoặc nói cho người khác nghe thì có thể biên tập như sau: “Một cơn bão mạnh với sức gió 145 km/giờ và lúc cơn giật lên tới 225 km/giờ đã đổ bộ vào Guy am. Có đến 135 ngàn dân của đảo này phải sơ tán”. Ở câu văn sau, các thông tin quan trọng được đẩy lùi vào giữa, đồng thời câu văn dài đã được tách thành hai câu ngắn hơn, thích hợp với văn phong nói cũng như kênh tri giác thông tin của người nghe là thính giác.

Ngoài ra, trong văn phong tuyên truyền miệng, người nói không nên sử dụng câu văn ở thể bị động mà chỉ nên dùng câu văn thể chủ động.

Hai là, tính chính xác, đúng đắn

Tính chính xác của ngôn ngữ là sự phù hợp giữa tư tưởng, quan điểm muốn trình bày và từ ngữ, thuật ngữ được chọn để diễn đạt tư tưởng, quan điểm đó. Tính chính xác đảm bảo cho lời nói truyền đạt chính xác nội dung khách quan của vấn đề, sự việc, sự kiện được đề cập trong nội dung tuyên truyền miệng. Tính chính xác là đòi hỏi rất cao khi giới thiệu các chủ đề mang tính chính trị - pháp lý, khi giới thiệu, quán triệt nghị quyết Đảng,  tuyên truyền luật pháp và các văn bản mang tính pháp lý của Nhà nước. Tính chính xác của lời nói trong tuyên truyền miệng bao gồm:

(1) Sự chính xác về phát âm: không phát âm sai, lẫn lộn giữa l và n, giữa ch và tr, giữa r và gi...

(2) Sự chính xác về từ, các từ được dùng phải đúng nghĩa, rõ nghĩa, đơn nghĩa, tránh dùng từ đa nghĩa, diễn đạt mập mờ, nước đôi, không rõ ràng.

(3) Sự chính xác về câu bao hàm cả sự chính xác về ngữ pháp (đặt câu đúng, không thiếu thành phần câu) và chính xác về ngữ nghĩa, tránh đặt những câu tối nghĩa.

Sự chính xác, đúng đắn của lời nói còn được biểu hiện ở việc chọn từ ngữ phù hợp với đề tài, với trình độ người nghe và bối cảnh giao tiếp.

Ba là, tính phổ thông, dễ hiểu

Tính phổ thông của lời nói trong tuyên truyền miệng thể hiện ở việc chọn từ, cách diễn đạt rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ chung, phổ biến của một nhóm đối tượng công chúng cụ thể, là biết "phiên dịch" ngôn ngữ hàn lâm, ngôn ngữ chuyên gia sang ngôn ngữ của công chúng rộng rãi.

Tính phổ thông của lời nói đảm bảo cho thính giả hiểu ngay được, tiếp thu ngay được những vấn đề phức tạp, trừu tượng, thu hút người nghe hướng vào tiếp nhận những tư tưởng mới.

Tính phổ thông, sự đơn giản, dễ hiểu của lời nói, của cách trình bày không có nghĩa là dung tục hoá các khái niệm khoa học, là làm nghèo nàn nội dung bài nói. Mà đó là chọn cách trình bày, diễn đạt sao cho ai cũng hiểu được nội dung vấn đề dù vấn đề đang trình bày, diễn đạt có phức tạp đến mấy. Tư tưởng Hồ chí Minh đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại, của dân tộc ta, của người dân Việt Nam và toàn thể nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhưng được người trình bày ngắn gọn, dung dị, phổ thông, gần gũi nên ai cũng hiểu được và làm theo, ngay cả những người không biết chữ. Chẳng hạn, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc được người thể hiện bằng thơ lục bát trong Bài ca sợi chỉ, Bài ca hòn đá đọc lên nôm na, dễ hiểu đến lạ kì và có sức lay động lòng người vô cùng to lớn. Song những vần thơ đó lại chứa đựng toàn bộ triết lý sâu xa về đại đoàn kết toàn dân tộc, có ý nghĩa chỉ đạo cơ bản, lâu dài đối với cách mạng nước ta.

Tính phổ thông của lời nói đòi hỏi cán bộ tuyên truyền miệng, báo cáo viên phải đặt mình vào vị trí đối tượng để lựa chọn cách trình bày, diễn đạt, chọn từ, đặt câu sao cho người nghe hiểu ngay được. Cần hạn chế việc sử dụng các thổ ngữ, từ địa phương, các thuật ngữ có tính nghề nghiệp, chuyên dụng. Không lạm dụng từ nước ngoài, mặc dù sự hiện diện của một số từ nước ngoài trong ngôn ngữ của một dân tộc - quốc gia là một thực tế khách quan do những quy luật của quá trình phát triển ngôn ngữ và giao lưu văn hoá. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao vốn là lời ăn tiếng nói của nhân dân, gần gũi với đông đảo công chúng để trình bày, diễn đạt, giải thích các khái niệm mới, trừu tượng cũng là cách phổ thông hoá lời nói trong tuyên truyền miệng.

Bốn là, tính truyền cảm

Tính truyền cảm là khả năng mà ngôn ngữ nói có thể mang lại cho người nghe sự rung động và những cảm xúc mạnh mẽ trong tâm hồn họ. Đây là một đặc trưng riêng có của ngôn ngữ nói mà ngôn ngữ viết không thể có được. Việc khai thác, vận dụng đặc trưng, lợi thế này của ngôn ngữ nói sẽ đem lại hiệu quả và sức lan tỏa cho bài nói. Một bài nói hay, có khả năng truyền cảm hứng, chạm đến trái tim người nghe, khơi dậy được ý chí hành động và khát khao tìm tòi, sáng tạo của con người là bài nói mà chủ ngôn biết khai thác, tận dụng triệt để các yếu tố tạo nên tính truyền cảm của ngôn ngữ nói.

Để tạo ra tính truyền cảm cho bài nói, có thể sử dụng các biện pháp tu từ ngữ âm như: thủ pháp hòa đối thanh điệu, thủ pháp lặp số lượng âm tiết, lặp vần, thủ pháp tạo nhịp điệu…Đồng thời có thể sử dụng các yếu tố cận ngôn ngữ như ngữ điệu, trường độ, cao độ hay các yếu tố về âm, thanh, sắc của tiếng nói, sự ngừng giọng... và kết hợp chúng với các yếu tố phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt, nụ cười...

2. Kỹ năng sử dụng phương tiện trực quan và kết hợp sử dụng phương tiện trực quan với phương tiện ngôn ngữ

Tuyên truyền miệng, dù sử dụng phương tiện lời nói là chủ yếu nhất, nhưng để đạt hiệu quả cao, cần kết hợp lời nói với sử dụng phương tiện trực quan, chuyển đổi thông điệp của lời nói sang thông điệp của phương tiện trực quan. Chính vì vậy mà thuyết trình kết hợp sử dụng phương tiện trực quan là phương pháp thường được sử dụng rộng rãi trong giảng bài lý luận chính trị, báo cáo chuyên đề, giới thiệu nghị quyết của Đảng.

Sử dụng phương tiện trực quan giúp báo cáo viên giảm được cả lời nói và chữ viết khi thuyết trình. Nó còn cho phép báo cáo viên trình bày vấn đề dễ dàng hơn, nhất là những vấn đề lý luận trừu tượng, bởi lẽ khi đó các vấn đề lý luận trừu tượng, phức tạp được báo cáo viên cụ thể hóa, trực quan hóa bằng các sơ đồ, biểu bảng, hình vẽ, đồ họa, các video clip…

Sử dụng phương tiện trực quan rất có tác dụng trong việc tạo lập sự hứng thú ở người nghe, đặc biệt là khả năng tái lập sự chú ý của nó. Bởi vì, khi báo cáo viên thuyết trình bằng ngôn ngữ nói, người nghe tri giác thông tin bằng thính giác. Còn khi báo cáo viên sử dụng phương tiện trực quan thì người nghe tri giác thông tin băng thị giác, cảm giác hoặc khứu giác, vị giác. Kênh tri giác thông tin được thay đổi, theo đó người nghe sẽ không bị nhàm chán bởi cách thuyết trình bằng lời trong khoảng thời gian dài, liên tục.

Sử dụng phương tiện trực quan có ý nghĩa đặc biệt trong việc tăng cường khả năng ghi nhớ, nhất là trí nhớ bền lâu. Một công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu chỉ thuyết trình bằng lời thì sau 3 giờ người nghe còn nhớ được 70% ý niệm, nhưng sau 3 ngày chỉ còn nhớ được 10%. Nhưng nếu kết hợp lời nói với phương tiện trực quan thì sau 3 giờ người nghe còn nhớ được 85% ý niệm và sau 3 ngày vẫn còn nhớ tới 65%. Ngoài ra, sử dụng phương tiện trực quan rất có ý nghĩa trong việc tác động để đối tượng nhanh chóng thay đổi quan điểm và hành vi. Dân gian Việt Nam có câu “Trăm nghe không bằng một thấy” là với ý nghĩa như trên.

Các phương tiện trực quan được sử dụng trong tuyên truyền miệng phải đạt tới các yêu cầu như: đơn giản, dễ nhìn, đẹp mắt; thống nhất về nội dung và hình ảnh; sử dụng được trong nhiều hoàn cảnh; dễ nhận biết và được thiết kế, sử dụng sao cho người ngồi xa nhất vẫn nhìn thấy rõ, cảm nhận được.

Phương tiện trực quan thường được sử dụng trong tuyên truyền miệng là: bảng viết, bảng lật, giấy khổ to; máy chiếu đa năng, video clip; sơ đồ, bản đồ, biểu bảng; hiện vật, mẫu vật, sa bàn, tranh ảnh, đồ họa…

3. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội

Công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số, mạng xã hội là những tiến bộ của nhân loại cần được sử dụng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng ở nước ta.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ số, công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng được các nhà truyền thông vận dụng triệt để trong hoạt động của mình, trong đó có hoạt động tuyên truyền miệng.

Đối với công nghệ thông tin, những người làm công tác tuyên truyền miệng có thể sử dụng, vận dụng trong xây dựng đề cương điện tử cho bài nói, thiết kế các slide trình chiếu. Để việc xây dựng, thiết kế các slide chất lượng, báo cáo viên cần tuân thủ 7 nguyên tắc sau:

(1)   Thiết kế 7 dòng/ 1 slide.

(2)    Dùng phông chữ không chân.

(3)   Cỡ chữ cho tiêu đề là 44, cho nội dung là 28 hoặc 32.

(4)   Chỉ dùng từ khóa, không viết câu dài.

(5)   Đảm bảo độ tương phản giữa chữ, hình ảnh và nền để nhìn được rõ.

(6)    Nên thống nhất cách trình bày trong suốt thời gian buổi nói chuyện.

(7)   Minh họa bằng hình ảnh, đồ họa, chèn thêm các đoạn phim, video clip, nhạc cho bài nói thêm sinh động.

Ngoài ra, trong sử dụng Power Point, báo cáo viên cần tránh 8 vấn đề sau:

(1)   Chỉ chiếu các đề mục chính, không có nội dung minh họa.

(2)   Chiếu quá nhiều nội dung.

(3)   Chiếu liên tục suốt buổi nói chuyện.

(4)   Dùng quá nhiều hình ảnh, hiệu ứng gây mất tập trung.

(5)   Thuyết trình quá nhiều hoặc chỉ lặp lại nội dung trên slide.

(6)   Đọc nguyên văn nội dung trên slide, không phân tích, giảng giải.

(7)   Quá phụ thuộc vào Power Point.

(8)   Che khuất máy khi đứng thuyết trình.

Đối với mạng xã hội, báo cáo viên có thể sử dụng các chức năng, tiện ích của nó để nắm tình hình tư tưởng, nhu cầu, thị hiếu thông tin của công chúng và coi đó là một căn cứ lựa chọn chủ đề cho bài nói; thu thập, kiểm chứng, xử lý thông tin, qua đó cung cấp, chuyển tải thông tin mới, định hướng dư luận xã hội bằng các thông tin chính thức, chính thống; khai thác, sưu tầm các video, số liệu thực tế, tư liệu lịch sử, hình ảnh, bản nhạc, các điển tích, các tác phẩm văn học… để minh họa cho nội dung tuyên truyền hoặc làm luận cứ, luận chứng sinh động cho bài nói, sau khi đã kiểm chứng. Trong điều kiện hiện nay của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thông qua mạng xã hội, báo cáo viên có thể tiếp cận nội dung, nguồn gốc các thông tin xấu độc, giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt, các quan điểm sai trái, thù địch để nhận diện, qua đó xác định nhiệm vụ đấu tranh, phản bác.

Vận dụng chức năng, tiện ích của mạng xã hội và của công nghệ thông tin, hiện nay trong công tác tuyên truyền miệng, ở nước ta Ban Tuyên giáo các cấp đã sử dụng phương thức tuyên truyền miệng trực tuyến nhằm đưa thông tin nhanh, trên diện rộng, tức thời, đồng thời đến mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân đang công tác và lao động ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phương thức tuyên truyền mới này mà không đổi mới hơn nữa sẽ bỏ mất cơ hội, không tận dụng hết và hiệu quả các chức năng, tiện ích to lớn mà mạng xã hội mang lại cho truyền thông nói chung và cho tuyên truyền miệng nói riêng. Định hướng chung cho việc tiếp tục sử dụng các tiện ích của mạng xã hội và công nghệ số trong tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên cấp ủy hiện nay là nhanh chóng thiết kế các video, audio về các buổi nói chuyện đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, như VCnet, Lotus, Youtube, Facebook hoặc một nền tảng mạng xã hội mới khác do cơ quan tuyên giáo các cấp lập ra… để cán bộ, đảng viên, công chúng trong nước và nước ngoài không chỉ được nghe một lần tức thời mà nghe nhiều lần sau đó nữa để tác động lan tỏa của tuyên truyền miệng rộng rãi hơn, lâu dài hơn, hiệu quả bền vững hơn.     

4. Kỹ năng sử dụng bản đồ tư duy

Bản đồ tư duy là một công cụ được thể hiện dưới dạng sơ đồ nhằm sắp xếp thông tin, ý tưởng một cách logic và trực quan, sinh động. Bản đồ tư duy được mệnh danh là “công cụ vạn năng”, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo được các diễn giả sử dụng trong thuyết trình, giảng bài, hoặc giúp các nhà kinh doanh sử dụng trong thuyết trình, đàm phán, thương lượng. Lập bản đồ tư duy là cách thức ghi chú có hiệu quả cao. Nó có thể mang đến cho cử tọa nhiều thông tin tổng hợp của bài nói, giúp người nghe hình dung cấu trúc tổng thể của chủ đề đang đề cập. Nó còn giúp làm rõ mức độ quan trọng của từng phần cũng như mối quan hệ của các phần trong nội dung một bài nói. Trên cơ sở đó, bản đồ tư duy giúp người nghe liên kết các ý tưởng, kết nối các ý tưởng với nhau.

Việc sử dụng bản đồ tư duy trong tuyên truyền miệng cũng như trong thuyết trình, diễn giảng mang lại những lợi ích sau:

(1)    Tăng tính logic trong sắp xếp thông tin.

(2)    Giúp sử dụng tối đa khả năng của bộ não và trí tưởng tượng của người nói.

(3)    Giúp người nói suy nghĩ thông suốt, thấu đáo, hỗ trợ trình bày thông tin một cách mạch lạc, chặt chẽ.

(4)    Tái cấu trúc các ý, các luận điểm trong bài nói một cách trực quan, dễ theo dõi.

(5)    Người nghe dễ dàng nhận biết cấu trúc, sự liên kết, tính logic của các ý tưởng, các luận điểm.

Theo cuốn “Bản đồ tư duy trong thuyết trình” do nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2020, để chuẩn bị cho việc vẽ bản đồ tư duy cần phải tạo lập 4 yếu tố cần thiết, đó là: (1) Bảng hoặc giấy khổ to; (2) Phấn màu hoặc bút chì màu, bút dạ màu; (3) Bộ não và (4) Trí tưởng tượng. Đồng thời, việc thiết kế bản đồ tư duy cần trải qua 7 bước sau:

(1)  Bắt đầu bằng một khái niệm gốc được vẽ ở giữa của bảng hoặc tờ giấy.

(2)    Vẽ hình ảnh đại diện cho khái niệm gốc, vì hình ảnh hấp dẫn hơn chữ viết, có tác dụng lớn trong việc kích thích con người tập trung chú ý và phát triển khả năng tưởng tượng.

(3)    Sử dụng phấn màu, bút chì màu để tạo ra sự sống động cho bản đồ tư duy và kích thích tư duy sáng tạo của cử tọa.

(4)    Vẽ nhánh chính đầu tiên, sau đó vẽ các nhánh cấp hai, cấp ba. Cách vẽ này giúp phát triển sự liên kết trong tư duy, tạo điều kiện hiểu thấu đáo, bao quát chủ đề và ghi nhớ dễ dàng.

(5)    Vẽ các nhánh bằng đường cong thay cho đường thẳng, vì đường thẳng dễ làm bộ não con người nhàm chán hơn.

(6)    Trên mỗi nhánh chỉ ghi một từ khóa. Bản đồ tư duy sẽ trở nên linh hoạt, ấn tượng hơn nếu nó chỉ chứa đựng những từ khóa đơn giản.

(7)   Sử dụng hình ảnh xuyên suốt bản đồ tư duy.

 Dưới đây là mô hình bản đồ tư duy về phân tích khán, thính giả và bản đồ tư duy về cấu trúc bài nói.

Hình 1: Bản đồ tư duy về phân tích người nghe trong thuyết trình (Nguồn: Bản đồ tư duy trong thuyết trình, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2020, tr.38)
Hình 2. Bản đồ tư duy về cấu trúc bài nói (Nguồn “Bản đồ tư duy trong thuyết trình”, tài liệu đã dẫn, tr. 73)

Nắm được những tiện ích và sự hữu ích của bản đồ tư duy, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền cần tăng cường sử dụng nó trong triển khai nội dung, nhất là trong việc tổng kết nội dung bài nói, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong điều kiện hiện nay.

5. Kỹ năng sử dụng con số, số liệu thực tế

Dùng con số, số liệu thực tế trong tuyên truyền miệng mang các ý nghĩa quan trọng sau:

- Con số, số liệu thực tế có thể chứng minh cho một luận điểm, một quan điểm, một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này con số, số liệu thực tế có tác dụng như một luận cứ.

- Con số, số liệu thực tế làm tăng tính thực tiễn cho bài phát biểu, có tác dụng to lớn trong việc thuyết phục người nghe tin vào chủ đề tuyên truyền.

- Số liệu thực tế làm cho các vấn đề lý luận và đường lối, chính sách trở nên có sức sống, gắn với đời sống xã hội và mang tính cụ thể, thiết thực.

Con số, số liệu thực tế thường được sử dụng trong các bài giảng lý luận chính trị; bài giới thiệu, quán triệt nghị quyết của Đảng; các bài thông tin thời sự về tình hình trong nước, quốc tế; bài nói về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng, quý, năm…

Sử dụng số liệu thực tế, con số sao cho người nghe dễ hiểu, không choáng ngợp bởi hàng dãy biểu bảng, hàng trang con số dài dòng là điều rất khó. Có nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng sao cho con số, số liệu thực tế mang nhiều ý nghĩa tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người nghe mới là vấn đề quan trọng nhất, chứ không phải là việc đưa ra nhiều con số. Với ý nghĩa đó, có thể khuyến nghị một số kỹ năng sử dụng con số như sau:

Thứ nhất, làm tròn số cho dễ nhớ, dễ trình bày bằng cách tăng, giảm kiểu qui tròn và sử dụng thêm các từ gần, dưới, trên, hơn hoặc ước tính, khoảng…

Thứ hai, đổi con số thành hình ảnh để người nghe có thể hình dung dễ dàng mà có người gọi là “vẽ ra cho người ta thấy”. Ví dụ, khi nói về trữ lượng vàng trên trái đất, người ta dùng hình ảnh sau: “Khoảng 80% vàng của trái đất bị chôn vùi dưới lòng đất. Theo một nghiên cứu do Đại học Macquarie, Australia thực hiện, có rất nhiều vàng trong lõi trái đất. Nếu tất cả được khai thác và lắng đọng trên bề mặt trái đất, nó đủ để bao bọc toàn bộ hành tinh này một lớp vàng dày 1,5 mét”.

Thứ ba, sử dụng quy tắc tác động tâm lý để làm cho một con số lớn nhưng nghe xong người ta cảm nhận nó là nhỏ, hoặc ngược lại một số nhỏ nhưng người nghe lại có cảm giác lớn. Chẳng hạn, để một con số trở nên lớn hơn, ấn tượng hơn, người ta có cách dùng và so sánh như sau: “Nếu chúng ta gỡ tất cả các mạch máu trong cơ thể người và buộc chúng thành một chuỗi dài thì chiều dài của chuỗi này chiếm khoảng 100.000 km, nghĩa là gấp 2,5 lần chiều dài đường xích đạo của trái đất”. Hoặc một cách nói khác: “Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%. Tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây, nhưng trong bối cảnh dịch covid–19 diễn biến phức tạp, mức tăng này thuộc tốp nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới”. Với cách nói ngược lại, lớn làm cho nhỏ, một công ty vốn đã dùng lời quảng cáo: “Vay 10 ngàn, lợi tức một ngày mới có 24 đồng”. Trên thực tế, lợi tức một năm cho số tiền vay được tính toán bởi nhà quảng cáo này là gần 90%. Tuy nhiên, công ty trên đã sử dụng “kỹ xảo giảm pháp”, tức là họ không tính toán lợi tức cho một năm, sáu tháng, một quí hay một tháng mà lại tính lợi tức cho một ngày, để người vay cảm thấy lãi xuất nhỏ, nhưng thực tế lãi xuất quá lớn. Chú ý quan sát chúng ta thường thấy, trong lời quảng cáo cho các tour du lịch, nhất là du lịch ở nước ngoài, hoặc cho các mặt hàng có giá trị, người kinh doanh thường sử dụng qui tắc “lớn làm cho nhỏ” bằng cách giảm đi một trị số rất nhỏ trong giá cả dịch vụ, hàng hóa nhưng rất dễ làm cho người sử dụng, khách hàng cảm thấy rẻ. Ví dụ, “Tour châu Âu mùa thu vàng 9 ngày: 49.900.000 đồng”, hay “Vi vu tour châu Âu qua 4 quốc gia, giá cực rẻ: 38.900.000 đồng”…    

 Thứ tư, tìm ra trong dãy số các con số ấn tượng nhất mà thường là các con số lớn nhất, nhỏ nhất và so sánh chúng với những con số khác để làm tăng ý nghĩa kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội của chúng. Chẳng hạn, để cảnh báo, kêu gọi mọi người trong xã hội không sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường, nhà tuyên truyền có thể sử dụng cách nói: “Một chiếc túi nilon chỉ mất 5 giây để sản xuất, nhiều khi chỉ được sử dụng trong 5 phút và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần 500 đến 1000 năm”. Có thể so sánh số này với số khác hoặc nước này với nước khác, như: “Năm 2020 là năm thắng đậm của gạo Việt Nam cả về được mùa, được giá và xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Việt Nam được coi là một trong 10 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021”. Ngoài ra, cũng có thể so sánh “nó với nó”, tức là so sánh cùng lĩnh vực, cùng vấn đề ở thời điểm này với thời điểm khác. Ví dụ: “Xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước”. Khi so sánh, báo cáo viên có thể trực quan hóa số liệu để người nghe dễ tiếp thu bằng cách sử dụng các bảng, biểu đồ với các thiết kế màu sắc đa dạng, đẹp mắt.

6. Kỹ năng sử dụng yếu tố hài

Yếu tố hài hước rất hay được các nhà hùng biện, người diễn thuyết sử dụng để giải tỏa sự căng thẳng, giúp người nghe thư giãn, kích thích sự hưng phấn nghe khi bài nói đề cập đến những vấn đề phức tạp, trừu tượng, khó hiểu, được trình bày, phân tích trong thời gian dài. Kỹ năng hài hước, trong nghệ thuật diễn thuyết, được chọn sử dụng cả khi bắt đầu và kết thúc bài nói lẫn trong quá trình diễn thuyết. Kỹ năng này được sử dụng rất hiệu quả để tái lập sự chú ý của người nghe.

Vận dụng kỹ năng này, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền có thể kể các câu chuyện cười dân gian hoặc hiện đại có sẵn mà mình tích lũy được, hoặc chuyển sang cách nói hài hước nếu cảm thấy có khả năng, hoặc sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ mà người ta hay dùng trong xây dựng các câu chuyện cười như: chơi chữ, nói lái, nói tước bỏ ngữ cảnh, nói thiếu, nói hàm ngôn, sử dụng quan hệ bằng trắc…

Yếu tố hài cần được sử dụng tinh tế, chọn lọc. Trong truyện cười (cả dân gian và hiện đại) có một số yếu tố “tục”, “thô”, có thể chỉ phù hợp với không gian một bữa tiệc tập thể, hoặc trong không khí của buổi giao lưu bạn bè, đồng nghiệp hay trong câu chuyện kể trên một chuyến xe buýt, chuyến tàu hỏa, trong lúc lao động tập thể ngoài trời mệt nhọc. Nếu lựa chọn nội dung thiếu sự thận trọng, tinh tế, không phù hợp với bối cảnh và quan hệ vai giao tiếp, dễ gây phản cảm, phản tác dụng.

Ngoài các câu chuyện cười mà mỗi báo cáo viên cần thường xuyên chọn lọc, tích lũy và suy nghĩ về ngữ cảnh, tình huống sử dụng, có thể tích lũy và chọn ngữ cảnh, tình huống sử dụng những truyện cổ tích, truyện dân gian để “mượn xưa nói nay”, làm cho buổi nói chuyện của mình thêm sâu sắc, nhẹ nhàng.

Trên đây là một số kỹ năng quan trọng nhất mà báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền có thể sử dụng để tạo sự hấp dẫn, thu hút và tái lập sự chú ý của người nghe trong quá trình trình bày bài nói, tạo nên chất lượng, hiệu quả cho một buổi nói chuyện. Chúng đồng thời cũng góp phần làm sâu sắc thêm nội dung bài nói, làm phong phú thêm phương pháp trình bày, diễn đạt, cuốn hút người nghe vào những vấn đề bức thiết, những tư tưởng, quan điểm mới, truyền được cảm xúc, cảm hứng và khơi dậy, kích thích ở họ tính tích cực, tự giác và tư duy độc lập, sáng tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alpha Books (biên soạn), Nguyễn Thị Khánh Chương (chủ biên), Bản đồ tư duy trong thuyết trình, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2020.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.

3. Lý Thị Minh Hằng (Chủ nhiệm đề tài), Giáo trình Lý luận dạy học đại học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2019.

4. Lương Khắc Hiếu (Chủ biên): Nghệ thuật phát biểu miệng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006.

5. Nguyễn Hiến Lê: Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Đồng Tháp, 1993.

6. Hoàng Xuân Việt: Thuật hùng biện, Nxb Đồng Tháp, 1993.

7. https://laodong.vn/kinh-te/gdp-viet-nam-nam-2020-tang-291-thuoc-nhom-tang-truong-kinh-te-cao-nhat-the-gioi-865763.ldo

8. https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/