Một số kết quả và kinh nghiệm trong cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình

TS. ĐẶNG MINH PHỤNG - THS. ĐÀO ĐÌNH HÙNG

Xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt tới các cấp, ngành, các cơ quan hành chính của tỉnh tích cực đổi mới sáng tạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả cải cách hành chính. Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình đã tạo được những chuyển biến tích cực, để lại những kinh nghiệm quý.

Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình_Ảnh: TTXVN

Một số kết quả đạt được

Một là, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông bảo đảm nguyên tắc “Một cửa - Một đầu mối”, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND, ngày 30-8-2013 về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Thái Bình; Quyết định 1916/QĐ -UBND về việc thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh Thái Bình, bảo đảm nguyên tắc “Một cửa - Một đầu mối”; Quyết định 2324/QĐ-UBND, ngày 5-10-2015,  về việc thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình (ngày 5-8-2019, đổi tên thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình). Đây là những quyết định mang tính đột phá của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khắc phục được tính hình thức trong thực hiện việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả; tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan; đề cao trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục đầu tư một cách hoàn chỉnh, hiện đại… Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến theo mức độ 3, sử dụng chữ ký số trong quá trình thực hiện nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế Thái Bình,  để có sức hút hơn nữa đối với các nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ ngày 1-10-2019,  đó là: Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết, đóng dấu và trả kết quả ngay tại trung tâm. Để thực hiện phương án “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã bố trí đầy đủ các điều kiện về máy móc, trang thiết bị phục vụ cán bộ, công chức các sở, ngành đến làm việc. 100% sở, ngành đã đăng kí thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại trung tâm(1). Các thủ tục hành chính được rà soát, cắt giảm bình quân 48,86% lượng thời gian giải quyết so với quy định hiện hành(2). Có thể nói, đây là mô hình đột phá trong thực hiện cải cách hành chính, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân, là bước tiến quan trọng để Thái Bình triển khai áp dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không ngừng được cải thiện và thăng tiến trên bảng xếp hạng toàn quốc, năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh Thái Bình tăng điểm và bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước so với năm 2018 (đứng thứ 6/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và xếp hạng 28/63 tỉnh, thành trong cả nước)(3). Điều này chứng minh những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả trong thực tiễn.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính được tỉnh Thái Bình triển khai rộng rãi, công tác chỉ đạo, điều hành trên mạng văn phòng điện tử liên thông đạt kết quả tốt. Năm 2012, Thái Bình đã hoàn thành việc triển khai, chuyển giao phần mềm “Mạng Văn phòng điện tử liên thông” tới các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. 100% sở, ban, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 100% cấp ủy, chính quyền cấp xã được chuyển giao phần mềm thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đến tháng 9-2017, Thái Bình là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành kết nối liên thông mạng thông tin điện tử với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tính đến tháng 3-2020, 106 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và các cơ quan thuộc tỉnh; 683 cơ quan, đơn vị cấp xã sử dụng Mạng văn phòng điện tử liên thông; cung cấp hệ thống thư điện tử công dịch vụ tới hơn 6.000 địa chỉ cho cơ quan và công chức toàn tỉnh; triển khai chứng thư số chuyên dùng cho hơn 5.000 đầu mối cơ quan và cá nhân(4). Tỉnh đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, 100% cơ quan nhà nước sử dụng mạng văn phòng và triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Cổng chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình trên ứng dụng Zalo gồm 2 kênh chính: Kênh giao tiếp với tổ chức, công dân và kênh giao tiếp với cán bộ công chức, viên chức. Kênh giao tiếp với tổ chức, công dân đã hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức, công dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và tiếp nhận các thông tin từ cơ quan công quyền; cung cấp thông tin hỗ trợ, như trao đổi, giải đáp nhanh các thắc mắc của người dân; thông báo các văn bản, thủ tục hành chính mới công bố hoặc bãi bỏ; thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng để người dân tra cứu hoặc khi tình trạng hồ sơ có thay đổi thì người dân cũng sẽ nhận được tin nhắn thông báo. Kênh giao tiếp với cán bộ công chức, viên chức đã hỗ trợ người dùng mạng văn phòng điện tử liên thông của Tỉnh nhận được tin nhắn thông báo khi có văn bản mới, văn bản chờ ký số, trao đổi thông tin mới, công việc mới phải thực hiện và các tính năng tin nhắn khác theo yêu cầu của người sử dụng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh Thái Bình, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ba là, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình xây dựng Đề án và ban hành Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 28-9-2018 về việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan; đồng thời ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan. Kết quả các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy đã giảm 7 phòng, 2 phó trưởng ban, 29 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng (giảm 7 trưởng phòng, đến hết năm 2020 giảm 22 phó trưởng phòng)(5). Tỉnh uỷ Thái Bình cũng chỉ đạo cơ cấu lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Tính đến 31-7-2020, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có 18 sở, cơ quan ngang sở, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, giảm 1 đơn vị cấp sở. Tổng số đầu mối cấp phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành là 149 đơn vị (gồm 133 phòng, 16 ban chi cục), giảm 7 tổ chức. Bộ máy của phòng thuộc cơ cấu tổ chức của ban, chi cục thuộc các sở có 83 phòng, giảm 13 phòng(6). Tỉnh Thái Bình là một trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, tính đến 31-5-2020, giảm được 2 đơn vị trực thuộc(7). Tính đến 31-7-2020, toàn tỉnh có 852 đơn vị sự nghiệp công lập, đã thực hiện giảm 213 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bằng 20%), vượt chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn tỉnh(8). Đối với đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 20-8-2019 thực hiện sắp xếp, sáp nhập 47 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 21 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 26 đơn vị giai đoạn 2019-2021. Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Thái Bình còn 260 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: 241 xã, 10 phường, 9 thị trấn(9). Ngày 9-5-2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND về sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, tính đến tháng 7-2020, toàn tỉnh đã giảm được 2.832 biên chế, trong đó khối Đảng, đoàn thể giảm 95 biên chế; khối Nhà nước giảm 2.737 biên chế; giảm 2.435 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng phụ cấp công tác ở thôn, tổ dân phố; giảm 52,5% người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giảm 10,2% số lượng công chức cấp xã(10). Việc rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn về đầu mối, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn có những hạn chế, như một số cơ quan đơn vị chưa coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Việc rà soát, cập nhật các thủ tục hành chính vẫn còn chậm so với quy định. Một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức trình độ năng lực còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu, tính hiệu quả chưa cao.

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, xuyên suốt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh đã góp phần quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định công tác cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hoá mục tiêu trên bằng việc ban hành đầy đủ các kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan chủ trì và phối hợp thực hiện cũng như các giải pháp và kết quả dự kiển để theo dõi, đánh giá thường xuyên việc triển khai thực hiện. Từ đó đã tạo sự vào cuộc đồng bộ, thực chất của các cấp, các ngành, các địa phương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình đã có những kết quả tích cực.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về vai trò, sự cần thiết của công tác cải cách hành chính có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và là căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị hằng năm.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt, bảo đảm hiệu quả trong thực thi công vụ. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt triển khai công tác cải cách hành chính trên tất cả các nội dung đến đông đảo người dân và doanh nghiệp để biết và thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng, thông tấn báo chí, phát thanh và truyền hình… trên địa bàn tỉnh Thái Bình vào cuộc khá đồng bộ và tích cực khi xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tuyên truyền các chủ trương, chính sách, giải pháp về cải cách hành chính của chính quyền đến người dân.

Năm là, đầu tư nguồn lực tài chính để phục vụ cho công tác cải cách hành chính trước hết là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ công chức.

Những kết quả đạt được và những kinh nghiệm được rút ra là cơ sở để tỉnh Thái Bình nâng cao chất lượng cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm hoàn thành các mục tiêu mà Tỉnh đề ra trong giai đoạn tiếp theo./.

-------------------

(1) Một số đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Điện lực, Bảo hiểm xã hội đã đăng kí giải quyết 100% thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại trung tâm.(2) Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thái Bình, Báo cáo Tổng kết Chương trình công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2020; định hướng giai đoạn 2021-2030,  số 64/BC-UBND ngày 3-7-2020, tr.11.(3) Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Thái Bình năm 2019, nguồn: http://sokhdt.thaibinh.gov.vn, ngày 4-6-2020.(4) Dẫn theo: https://sotttt.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/dong-chi-nguyen-quang-hung-tinh-uy-vien-pho-chu-tich-ubnd-ti.html, ngày 9-3-2020.(5) Tỉnh uỷ Thái Bình, Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, số 368-BC/TU ngày 25-2-2020, tr. 9.(6) Đoàn Giám sát số 1649 Tỉnh uỷ Thái Bình, Báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, số 03-BC/BCĐ, ngày 31-7-2020, tr. 8. (7) Giải thể Trung tâm Dạy nghề trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; sáp nhập Trường Cán bộ thanh thiếu nhi tỉnh vào Trung tâm Hoạt động Văn hoá thể thao thanh thiếu niên tỉnh và đổi tên Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh. (8) Đoàn Giám sát số 1649 Tỉnh uỷ Thái Bình, Báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, số 03-BC/BCĐ, ngày 31-7-2020, tr. 11. (9) Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thái Bình, Báo cáo Tổng kết Chương trình công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2020; định hướng giai đoạn 2021-2030; số 64/BC-UBND ngày 3-7-2020, tr. 16.(10) Đoàn Giám sát số 1649 Tỉnh uỷ Thái Bình, Báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, số 03-BC/BCĐ, ngày 31-7-2020, tr. 8.