Một số kết quả trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII "về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới", các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã coi trọng việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc định hướng các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, cơ quan, đơn vị một cách thiết thực và hiệu quả.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 157-KH/TU, trên cơ sở đó chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Phương pháp giảng dạy lý luận chính trị được đổi mới theo hướng thực chất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị, gắn giảng dạy, học tập với các hoạt động thực tiễn.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các giá trị và những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những nội dung được Đảng vận dụng, phát triển mới trong thực tiễn. Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông, công tác tuyên truyền trên mạng xã hội cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã triển khai việc tạo lập các trang, nhóm trên mạng xã hội để để đăng tải, lan tỏa các thông tin tích cực, chính thống của các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước định hướng dư luận, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác nghiên cứu lý luận được triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua nghiên cứu các đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu triển khai thực hiện các đề án, dự án, sáng kiến kinh nghiệm,… Từ đó xây dựng cơ sở lý luận cho việc hoạch định các chủ trương lớn của tỉnh, địa phương, góp phần đề xuất chính sách thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các quy hoạch, đề án của tỉnh, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu theo hướng chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phù hợp mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của tỉnh. Trong 5 năm qua đã có trên 90 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực; trong đó có 32 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và rất nhiều công trình lịch sử đảng bộ các cấp.
Các cơ quan trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tham mưu tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học bổ ích cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới ở tỉnh như: Hội thảo về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình từ khi tái lập tỉnh năm 1991; Hội thảo về vấn đề chủ trương thành lập tổ hợp tác năm 1993; Hội thảo tổng kết việc “tổ chức khoán sản phẩm trong nông nghiệp tại 2 xã Sào Báy và Đú Sáng (Kim Bôi) những năm 1970-1974”; Hội thảo khoa học “90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình 1932-2022” …
Cùng với các tài liệu được các cơ quan của Trung ương phát hành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh đã tham mưu chỉ đạo biên soạn các tài liệu của địa phương làm phong phú, sinh động thêm nội dung các chương trình đào tạo lý luận chính trị. Nội dung các tài liệu tập trung về: Lịch sử, truyền thống đấu tranh, cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân; các thành tựu kinh tế xã hội và các vấn đề thực tiễn địa phương đặt ra; các mô hình, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; các tài liệu về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, tình hình nhiệm vụ địa phương, ...
Nhìn chung các nội dung học tập, nghiên cứu cho cán bộ, đảng viên cơ bản cập nhật kịp thời những vấn đề mới về phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, các nghị quyết, quy định của Đảng. Đồng thời đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của từng đối tượng cán bộ, đảng viên; góp phần bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho học viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, củng cố những kiến thức lý luận để áp dụng vào thực tiễn công tác./.
Đoàn Cần
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình