Hướng dẫn tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội…

Ngày 23/11, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 123-HD/BTGTW, hướng dẫn tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2023.

Mục đích nhằm tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức trách nhiệm và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường ra tăng đang là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững đất nước.

Thông qua tuyên truyền khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo nội dung Hướng dẫn số 123-HD/BTGTW, các nội dung tuyên truyền trọng tâm gồm: vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, quản lý thiên nhiên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó khẳng định chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước; làm rõ, phân tích những thách thức và tác động của ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên tới sự phát triển của toàn nhân loại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam; nhấn mạnh đến hậu quả và những tác động của biến đổi khí hậu, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường gây ra như: hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm ngập mặn, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn,… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là nội dung trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần lần thứ XIII của Đảng; Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quả lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng chống thiên tai năm 2013; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lực bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam thời gian qua như: các chương trình, chính sách, cơ chế, pháp luật về môi trường được Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự thống nhất trong hành động, sự đồng thuận trong xã hội; công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng chủ động góp phần giảm nhẹ thiệt hại; tài nguyên được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, khai thác một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường; công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, trình trạng ô nhiễm dần được khắc phục, chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân được cải thiện, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền về những đề xuất - khuyến nghị giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, chú trọng khẳng định sự tích cực, chủ động của nước ta trong việc tham gia, đóng góp, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, như: Công ước chung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, thỏa thuận Pa-ri năm 2016, cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP lần thứ 26, 27 và 28; các cam kết của ASEAN, Hiệp định thương mại tự do FTA và gần đây nhất là Hội nghị APEC 2023 … Tuyên truyền đối ngoại, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, trong hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền và nhân rộng mô hình hay, thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó khẳng định việc duy trì thường xuyên và nhân rộng các mô hình tốt có ý nghĩa quan trọng trong hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm với môi trường sống và sự phát triển bền vững; kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Cùng với đó kịp thời phê phán những hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu./.