Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW, ngày 13/11/2024, hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Mục đích nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Kết luận số 91-KL/TW, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp góp phần thực hiện tốt Kết luận số 91-KL/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền cần được triển khai nghiêm túc, kịp thời, sâu rộng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền cần tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đa dạng về hình thức; khai thác tối đa ưu thế của các nền tảng số; nội dung thông tin tuyên truyền phải đầy đủ, cập nhật, nhấn mạnh các quan điểm nhất quán của Nghị quyết số 29-NQ/TW, đồng thời thể hiện rõ những điểm mới của Kết luận số 91-KL/TW. Lồng ghép công tác quán triệt, tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; với xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo Hướng dẫn số 169-BTG/TW, 3 nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW được Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý gồm:
1. Các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhất là các quan điểm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình và bước đi phù hợp; Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học; Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng; Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo; Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW; nhấn mạnh mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo”; các nhiệm vụ, giải pháp chưa hoặc chậm triển khai trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
2. Những nội dung chính của Kết luận số 91-KL/TW, bao gồm: Những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục và đào tạo; các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát huy vai trò của các cấp uỷ cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục.
- Cho phép cơ sở giáo dục thuộc khối Quân đội, Công an đào tạo hệ dân sự đối với các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam; quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn,... Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, cơ sở giáo dục đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến. Đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
- Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hoá, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; đồng thời, trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong không gian số; khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
- Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra. Nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.
3. Nêu bật tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa, tính chất quyết định của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.