Hội thảo khoa học “Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”

Nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (10/12/1948 - 10/12/2023) và 30 năm Hội nghị Thế giới về quyền con người thông qua bản Tuyên bố và Chương trình hành động viên, ngày 08/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo.

"Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người" gồm 30 Điều quy định các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng phẩm giá con người, về quyền bình đẳng của con người. Vượt lên trên mọi sự khác biệt về văn hóa, Tuyên ngôn khẳng định: Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền; không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác nhau; nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần, xuất thân hay địa vị xã hội, miễn là con người thì được hưởng quyền con người. Tuyên ngôn đã đặt cơ sở nền tảng lịch sử, chính trị, pháp lý và đạo đức cho việc ghi nhận giá trị phổ quát của quyền con người trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Trong 75 năm qua, dựa trên những quy định về các quyền trong Tuyên ngôn, đến nay, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua trên 30 công ước quốc tế và hàng trăm tuyên ngôn, tuyên bố, hướng dẫn về quyền con người. Nhiều nội dung của Tuyên ngôn đã trở thành tập quán quốc tế, nguồn luật quốc tế cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền công dân, quyền con người ở mỗi quốc gia.

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hoá kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn...

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, qua gần 50 bài viết gửi đến Ban Tổ chức, 10 bài tham luận và 5 ý kiến phát biểu thảo luận, các nhà khoa học phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, nhất là thông qua những kết quả của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.

Một số tham luận tại Hội thảo đã phân tích, làm rõ những thuận lợi và thách thức trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh hiện nay... Đồng thời các đại biểu thảo luận đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người./.