Giữ vững lòng dân, xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc

Chiều 01/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Giữ vững lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm”.

Các đồng chí: Đại tướng, GS,TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Giữ vững lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm” nhằm khẳng định, làm rõ hơn tầm quan trọng, sự cần thiết, ý nghĩa bền vững, vai trò của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kế thừa truyền thống của ông cha về giữ vững lòng dân và xây dựng “thế trận lòng dân” trong dựng nước, giữ nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm, góp phần bổ sung, phát triển lý luận về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược trong vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong quá trình dựng nước, giữ nước; những kết quả của xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, giúp nhân dân nhận thức rõ và tiếp tục phát huy vai trò của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc .

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 117 tham luận, đóng góp ý kiến của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cán bộ Công an, Quân đội. Các ý kiến tham luận khẳng định: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy" là những vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa là truyền thống quý báu; đồng thời là những kinh nghiệm mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng "thế trận lòng dân” được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. “Thế trận lòng dân" không chỉ là nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân mà hơn nữa, “thế trận lòng dân” còn thâm nhập vào từng yếu tố, tạo sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc. Đặc biệt, “thế trận lòng dân" được củng cố, tăng cường, tạo ra xung lực mới, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc …

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Đại tướng, GS,TS. Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện lý luận khoa học về giữ vững lòng dân và xây dựng “thế trận lòng dân”, vận dụng những giải pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng, GS,TS. Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luậc Hội thảo.

Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, cần đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng “thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Cùng với đó, tăng cường vai trò nòng cốt, tiên phong của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân để xây dựng “thế trận lòng dân” ở mọi vùng, miền Tổ quốc, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trong đồng bào ở nước ngoài. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh theo hướng gần dân, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…