Giới thiệu cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn”

Cuốn sách "Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn" đề cập vấn đề tranh chấp xảy ra bởi những mối quan hệ cũng như các lợi ích phức tạp, đan xen trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế…

Cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” do TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên.

Việt Nam là quốc gia nằm ven bờ Tây của Biển Đông, có bờ biển dài 3.260km, vùng biển rộng khoảng trên 1 triệu km2, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở vị trí tiền tiêu và liền kề với vùng biển của các nước trong khu vực. Chính vì thế, xung quanh hai quần đảo này, nhất là đối với quần đảo Trường Sa, từ lâu đã tồn tại các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên hết sức phức tạp. Căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, căn cứ vào Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa bao hàm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được xác lập là phù hợp với Công ước, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nước và vùng lãnh thổ đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mặt khác, do việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 của những nước có biển, nằm ven bờ Biển Đông khác nhau, nên đã hình hành các khu vực biển và thềm lục địa chồng lấn.

Cuốn sách "Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn" do TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành, gồm 4 chương:

- Chương 1, Tranh chấp quốc tế đề cập vấn đề tranh chấp quốc tế xảy ra bởi những mối quan hệ cũng như các lợi ích phức tạp, đan xen trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế. Trong các tranh chấp quốc tế, tranh chấp lãnh thổ là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất. Theo tác giả, việc giải quyết tranh chấp có ý nghĩa quan trọng vì nó liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh thế giới, chấm dứt xung đột, bất đồng giữa các bên liên quan; góp phần thúc đẩy các quốc gia tuân thủ và thực hiện luật quốc tế triệt để hơn; đồng thời tác giả cũng làm rõ vai trò của biển và đại dương; chỉ ra các tranh chấp biển trên thế giới như tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý trên biển và tranh chấp về việc giải thích và áp dụng các quy định của Luật Biển quốc tế UNCLOS 1982.

- Chương 2, Các loại tranh chấp trong Biển Đông dưới góc độ pháp lýchương 3, Các bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông, cho bạn đọc thấy tranh chấp trong Biển Đông hiện vẫn đang là một “nguy cơ” gây bất ổn trong khu vực. Sự phức tạp của tranh chấp Biển Đông đến từ các yêu sách phức tạp về chủ quyền của nhiều quốc gia đối với các khu vực chồng lấn, hơn thế nữa, nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà còn được đan xen với những lợi ích về địa – chính trị, về kiểm soát con đường vận tải biển chiến lược, và về khai thác các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ…

- Chương 4, Nhận diện những thông tin, nhận thức và luận điểm sai trái đang tồn tại, nêu một số lưu ý về kiến thức pháp lý mà hiện nay vẫn đang tồn tại những nhận thức khác nhau như: vấn đề xác lập các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012; vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tác giả cũng chỉ rõ tên gọi vùng biển, hải đảo; đưa ra cách hiểu về nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” ở Biển Đông, cũng như cách hiểu về phạm vi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với các thực thể địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước chung quanh Biển Đông.

Với văn phong khoa học, mạch lạc, nội dung trình bày mang tính hệ thống logic cao, góc tiếp cận trực tiếp với vấn đề đặt ra, cuốn sách là tài liệu hữu ích truyền tải thông tin pháp lý về tranh chấp trên Biển Đông, giúp bạn đọc có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vấn đề Biển Đông, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, thực hiện thành công chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông. Cuốn sách còn là một đóng góp khoa học vào hệ thống nghiên cứu pháp luật quốc tế, sử dụng khoa học pháp lý vào lý giải các vấn đề trên thực tiễn và đưa ra các giải pháp pháp lý cho các vấn đề đang đặt ra./.