Định hướng tuyên truyền tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9/2023

Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9/2023, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương định hướng một số nội dung tuyên truyền trọng tâm thời gian tới như sau:

Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9/2023.

1. Về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới, tuyên truyền nhấn mạnh:

- Thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

- Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

- Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của đảng.

- Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

- Nhấn mạnh, chủ đề năm học 2023 – 2024 “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay, thể hiện sự quyết tâm của ngành giáo dục trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là vấn đề quan trọng hàng đầu, giúp học sinh hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

- Tuyên truyền sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục; không khí hồ hởi, phấn khởi, lạc quan của thầy và trò khi bước vào năm học mới 2023 - 2024; những tấm gương tiêu biểu trong dạy và học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Chú trọng tuyên truyền theo phương châm có chiều sâu, có sự lan toả và tích cực.

2. Về cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam

Trên cơ sở bám sát các tài liệu, thông tin được cung cấp, đội ngũ Báo cáo viên tuyên truyền nhấn mạnh:

- Quan hệ giữa các nước lớn luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn vừa có sự thỏa hiệp, hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, trong đó mặt cạnh tranh ngày càng có biểu hiện gia tăng. Điều này xuất phát từ các yếu tố, như bối cảnh tình hình quốc tế, yếu tố địa lý, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, dẫn đến sự dịch chuyển cán cân quyền lực trên toàn cầu.

- Với vị thế địa - chính trị quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có một vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, ngày càng có sự gia tăng trong điều chỉnh chính sách của các nước lớn cũng như cạnh tranh ảnh hưởng của các nước đó. Nằm trong vòng xoáy chiến lược cạnh tranh, Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các diễn biến cạnh tranh của các nước lớn.

- Bối cảnh đó mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải theo dõi sát sao, thích ứng linh hoạt.

Tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục có nhiều biến động, tuy nhiên công tác đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, trụ cột, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, tạo lập môi trường hoà bình, ổn định để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền khẳng định, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại đã được Đại hội XIII của Đảng xác định, là độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

3. Về tình hình kinh tế - xã hội

Tuyên truyền nhấn mạnh:

(1) Bối cảnh thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

(2) Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD); khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta.

(3) Thời gian tới tiếp tục tập trung tuyên truyền sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; làm nổi bật những nhiệm vụ, giải pháp lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

4. Về các hoạt động đối ngoại, sự kiện quốc tế quan trọng

- Tuyên truyền kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/8/2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; nhấn mạnh chuyến thăm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, nhất là về kinh tế số - kinh tế xanh. Đây là lĩnh vực ưu tiên phát triển của cả Việt Nam và Singapore và là lĩnh vực hợp tác có rất nhiều dư địa, tiềm năng to lớn giữa hai nước trong những năm tới.

- Tuyên truyền kết quả Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan; khẳng định: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng; các nhà lãnh đạo đã thảo luận những vấn đề chiến lược tác động đến khu vực, tiến trình phát triển của ASEAN, các biện pháp nâng tầm và tạo động lực cho hợp tác ASEAN thời gian tới, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động, thách thức từ bên ngoài; cho rằng, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh, khu vực đầu tiên và trước hết là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN. Muốn vậy, các nước thành viên ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường; và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động. Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn.

- Tuyên truyền chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhấn mạnh:

+ Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023), đánh dấu lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược.

+ Tuyên truyền những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, và nhất là sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

+ Tuyên truyền khẳng định, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam nói chung và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng; khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Hoa Kỳ.