Định hướng công tác tuyên truyền tháng 8/2022
Tiếp tục tuyên truyền về công tác đối ngoại; về kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII).... là những định hướng được đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2022.
1. Tiếp tục tuyên truyền về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta
Dự báo tình hình thế giới và khu vực (vấn đề Đài Loan, Biển Đông… ) sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn đến môi trường an ninh và phát triển của ta. Xung đột giữa Nga - Ucraina sẽ tiếp tục tác động phức tạp, lâu dài đến quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại quốc tế. Tuyên truyền về công tác đối ngoại cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
(1) Tuyên truyền khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước.
(2) Trên cơ sở đó, đội ngũ báo cáo viên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”. Qua công tác tuyên truyền khẳng định việc bảo đảm lợi ích của đất nước và đóng góp của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
(3) Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 5/9/1962 – 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (ngày 18/7/1977 – 18/7/2022).
Căn cứ các thông tin được cung cấp tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2022; các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao biên soạn, Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tuyên truyền khẳng định:
Một là, Quan hệ Việt Nam - Lào luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hai là, phải luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay của Việt Nam đều gắn liền với sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Ba là, trước đây và hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Bốn là, trong giai đoạn phát triển mới của hai nước, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả hai nước.
Năm là, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, hai nước Việt Nam và Lào cũng quyết tâm làm hết sức mình “giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ Việt - Lào” để mối quan hệ thiêng liêng Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Sáu là, tuyên truyền về sự phát triển trong giai đoạn hiện nay của hai nước, sự đóng góp tích cực của Việt Nam và Lào vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
(4) Tiếp tục tuyên truyền Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022.
Trước hết, dựa vào các tài liệu, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao để tích cực tuyên truyền mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa 2 đảng và Nhân dân hai nước; nêu bật được ý nghĩa và tầm quan trọng của tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Bên cạnh đó, tuyên truyền về mục đích cao cả và nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của quân tình nguyện Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh làm rõ sự cần thiết phải bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Campuchia trong tình hình mới; tuyên truyền khẳng định việc duy trì và phát triển mối quan hệ láng giếng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài là ưu tiên hàng đầu của hai nước.
Muốn vậy phải tuyên truyền cho Nhân dân, quân đội, nhất là thế hệ trẻ hai nước hiểu biết sâu sắc hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa sống còn của quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia; đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác các các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia hiện nay.
2. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Căn cứ tài liệu và thông tin được cung cấp tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2022, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền nhấn mạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; những kết quả quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương; tuyên truyền những tấm gương sáng về dạy tốt, học tốt, vượt qua khó khăn để dạy và học của các thầy cô giáo, của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Tuyên truyền phản ánh công tác chuẩn bị năm học mới, về Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày khai giảng năm học mới 2022-2023.
3. Tiếp tục tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII
Căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, tập trung tuyên truyền nội dung văn kiện, nhất là những nội dung cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII do Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và một số đề cương tuyên truyền nghị quyết đăng trên App Thông tin tuyên giáo để phục vụ công tác tuyên truyền miệng.
Cùng với đó, tuyên truyền đậm nét Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của các đảng bộ; chủ động tham gia công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc xung quanh các nội dung của Hội nghị Trung ương 5.
4. Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
Tính đến nay, với kết quả phòng chống dịch của năm 2021, trong đó có ý thức phòng dịch của người dân cùng kết quả triển khai tiêm vắc xin Covid-19, tại Việt Nam cơ bản các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển kinh tế đạt kết quả tương đối toàn diện trên các mặt.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là lơ là trong việc tiêm vắc xin, thậm chí né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân tại một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vắc xin. Công tác vận động, khuyết khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự quyết liệt, chưa hiệu quả.
Hiện tại, trên thế giới, dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75.... Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với tháng 6). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Tại Việt Nam, trong tháng 07/2022, ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 06 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số ca mắc tăng 22,4%. Số ca mắc gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Vì vậy, đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Thực tiễn cho thấy cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, vắc xin vẫn là vũ khí quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tuyên truyền nhấn mạnh, việc tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên phải là những người gương mẫu trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19. Vừa qua, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 06/8/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng, chống dịch; tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Trong tháng 8, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12.
5. Về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong tháng 8
- Tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022)
- Tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1902 - 2022)
- Tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2022).
Trong công tác tuyên truyền, đề nghị các đồng chí bám sát Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả.