Cách mạng tháng Tám năm 1945 - sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Ban Biên tập trích đăng Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025) do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương biên soạn.

1. Bối cảnh lịch sử
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, cục diện thế giới thay đổi nhanh chóng. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với ưu thế áp đảo nghiêng về phe Đồng minh. Tại châu Âu, Hồng quân Liên Xô phối hợp với quân đội các nước Anh, Mỹ, Pháp, Canađa… liên tiếp giành thắng lợi, giải phóng nhiều quốc gia và tiến vào Béclin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh ở châu Âu kết thúc. Tại châu Á - Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật rơi vào thế bị bao vây, uy hiếp nặng nề. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai chính thức chấm dứt.
Tình hình ấy mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Trung ương Đảng nhận định: đây là thời cơ “ngàn năm có một” để nhân dân ta vùng lên giành lại độc lập. Trong khi quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp đã rắp tâm quay trở lại, tìm cách dựa vào Đồng minh, còn các thế lực khác cũng bắt đầu can thiệp; nếu không chớp lấy cơ hội này, vận hội dân tộc có thể bị bỏ lỡ.
Ngay từ ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn, ra chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước rộng khắp. Ngày 12/3/1945, Trung ương ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, khẳng định: “Đây là thời cơ tốt để nhân dân ta vùng lên giành độc lập”.
Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 16/4, Tổng bộ Việt Minh chỉ đạo thành lập các Ủy ban dân tộc giải phóng từ Trung ương đến địa phương. Đầu tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo toàn quốc. Ngày 4/6/1945, Khu Giải phóng Việt Bắc chính thức được thành lập. Từ giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước lan rộng, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước.
2. Diễn biến
Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ngay trong ngày đã ra Quân lệnh số 1, phát động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc.
Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, phê chuẩn Lệnh tổng khởi nghĩa, thống nhất quốc kỳ nền đỏ sao vàng năm cánh, chọn “Tiến quân ca” làm quốc ca, và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ Lâm thời cách mạng Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cùng thời điểm đó, Người gửi thư kêu gọi toàn dân, nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Từ ngày 14/8/1945, tại nhiều địa phương, các cấp bộ Đảng và Việt Minh đã chủ động phát động khởi nghĩa trước khi nhận được lệnh chính thức, căn cứ vào tình hình cụ thể và tinh thần Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi: từ các huyện, xã vùng đồng bằng Bắc Bộ đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa…
Chiều 16/8/1945, theo chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào, tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên - mở màn cho chiến dịch quân sự hỗ trợ tổng khởi nghĩa. Cùng lúc, lực lượng vũ trang Chiến khu Trần Hưng Đạo phối hợp đánh chiếm các địa phương như Hải Ninh, Quảng Yên, Kiến An; ở miền Trung, lực lượng cách mạng tại Quảng Ngãi chiếm dinh tỉnh trưởng ngay trong đêm 16/8 - chính quyền tay sai sụp đổ không kịp trở tay.
Ngày 18/8/1945, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam là những địa phương đầu tiên giành được chính quyền tại tỉnh lỵ - tạo khí thế bừng bừng khắp cả nước.
Tại Hà Nội, chiều 17/8/1945, hàng vạn quần chúng từ nội, ngoại thành tham gia mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn, rồi tuần hành qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập!”. Ngày 18/8/1945, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên nhiều tuyến phố chính. Đỉnh cao là ngày 19/8/1945: cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra với khí thế áp đảo. Các đội tự vệ chiến đấu và quần chúng cách mạng chiếm phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở Cảnh sát, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh…; chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim tan rã. Đêm 19/8/1945, chúng ta hoàn toàn làm chủ Thủ đô.
Ở Huế, ngày 20/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh được thành lập. Từ ngày 21/8/1945, hàng loạt cuộc biểu tình thị uy diễn ra, tạo thế áp đảo. Ngày 23/8/1945, hàng vạn người tiến vào thành phố, chiếm các công sở trọng yếu và giành chính quyền trong hòa bình.
Tại Sài Gòn - Gia Định, Xứ ủy Nam Kỳ ấn định ngày khởi nghĩa là 25/8/1945. Sáng hôm đó, các đoàn công nhân, nông dân, thanh niên từ Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho đổ về trung tâm thành phố. Quần chúng chiếm lĩnh Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Bưu điện, nhà ga, nhà máy điện… chính quyền bù nhìn nhanh chóng sụp đổ, chính quyền cách mạng được thiết lập.
Thắng lợi vang dội tại ba đô thị lớn: Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền đến hải đảo - phong trào khởi nghĩa dâng lên như vũ bão. Tại Côn Đảo - nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ hàng ngàn chiến sĩ cách mạng kiên trung - khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng và cuộc Tổng khởi nghĩa đang lan rộng trong cả nước, tổ chức Đảng trong nhà tù đã nhanh chóng họp bàn, tổ chức lực lượng, lãnh đạo tù nhân nổi dậy. Tại Phú Quốc, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Việt Minh, tù chính trị cùng quần chúng nhân dân trên đảo cũng vùng lên lật đổ chính quyền thân Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng. Ở nhiều đảo khác như Lý Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Gai, Vân Đồn…, phong trào khởi nghĩa hưởng ứng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám cũng diễn ra mạnh mẽ, đồng thời với các địa phương trên đất liền, thể hiện tinh thần yêu nước sục sôi, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng độc lập của toàn dân tộc. Các tổ chức Việt Minh, lực lượng tự vệ và quần chúng yêu nước đã nhanh chóng phát động các cuộc mít tinh, biểu tình, tước vũ khí của lính bảo an, chiếm các công sở và tuyên bố chính quyền về tay Nhân dân.
Chỉ trong vòng 15 ngày, từ giữa đến cuối tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố quyền độc lập, tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam trước thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và làm chủ vận mệnh đất nước.
3. Nguyên nhân thắng lợi
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sự kết hợp chặt chẽ giữa thời cơ lịch sử thuận lợi với sự chuẩn bị công phu, bài bản và sự lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trước hết, thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng. Đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân mà Đảng xác định phù hợp với nguyện vọng của đại đa số Nhân dân. Đảng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức thực tiễn xuất sắc khi chỉ đạo toàn dân nổi dậy đúng thời điểm, nhanh chóng giành chính quyền trong cả nước với tinh thần: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Thứ hai, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là thành quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, toàn diện về chính trị, tổ chức, tư tưởng và lực lượng vũ trang. Từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, các cuộc vận động Dân chủ, Cao trào kháng Nhật cứu nước đến việc thành lập Mặt trận Việt Minh, tổ chức các đội vũ trang, xây dựng căn cứ địa, mở rộng lực lượng quần chúng… Đảng đã dày công chuẩn bị để sẵn sàng chớp lấy thời. Việc chủ động phát động khởi nghĩa từng phần trước khi tổng khởi nghĩa cũng thể hiện sự nhạy bén và linh hoạt trong chỉ đạo cách mạng.
Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của tinh thần yêu nước, truyền thống bất khuất và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta, dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, đã nhất tề đứng dậy ở cả ba miền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến hải đảo. Đây là biểu hiện sinh động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, yếu tố nội sinh mang tính quyết định đối với thắng lợi của cách mạng.
Thứ tư, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phát xít Đức và phát xít Nhật. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, chính quyền tay sai ở Đông Dương tan rã, tạo nên một khoảng trống quyền lực. Đảng ta đã đánh giá đúng thời cơ "ngàn năm có một" và phát động toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa khi các thế lực thù địch còn chưa kịp phản ứng hoặc can thiệp.
4. Ý nghĩa lịch sử
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta. Thắng lợi ấy đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm và lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị hàng thế kỷ ở nước ta, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước do Nhân dân lao động làm chủ.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên độc lập - tự do; kỷ nguyên Nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo.
Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử Việt Nam mà còn mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Thắng lợi ấy đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa và các lực lượng bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với thắng lợi đó, dân tộc Việt Nam không chỉ giành được độc lập mà còn khẳng định vị thế và con đường phát triển của mình trong dòng chảy của lịch sử thế giới hiện đại./.