Ban Tuyên giáo Trung ương lấy ý kiến đóng góp dự thảo các văn bản về công tác lý luận chính trị
Chiều 28/11, Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan về công tác phối hợp trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi làm việc.
Nội dung trọng tâm của buổi làm việc là góp ý dự thảo Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan liên quan trong hoạt động định hướng, quản lý, tham mưu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị (Quy chế phối hợp) và dự thảo Kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 10/9/2014 của Bộ Chính trị về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa, đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã duy trì sự phối hợp trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị của Đảng.
Nhấn mạnh trong những năm tới, sự nghiệp cách mạng Việt Nam có cả thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói riêng. Theo đó, các cơ quan phải phối hợp chặt chẽ, khoa học, bài bản hơn trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương yêu cầu việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW cần phải được thực hiện một cách bài bản, kỹ lưỡng theo phương châm: “tổng kết thực tiễn để hoàn thiện lý luận và lý luận soi đường cho thực tiễn để kiểm chứng và đồng thời tiếp tục được hoàn thiện từ thực tiễn”. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng xem xét tổ chức một hội nghị quốc gia về công tác lý luận, nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác này, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các dự thảo cần thể hiện và khẳng định được vai trò của các cơ quan liên quan. Cụ thể, về nội dung dự thảo Kế hoạch và Quy chế phối hợp cần chú trọng nêu được việc tổ chức triển khai, kiểm tra thực hiện trong 10 năm. Qua đó khẳng định hiệu quả của công tác phối hợp triển khai và khẳng định việc xây dựng, triển khai Kế hoạch mới là để công tác phối hợp diễn ra tốt hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Kế hoạch cần có đánh giá công tác lý luận chính trị được triển khai trên thực tiễn ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý dự thảo Kế hoạch cần phải chỉ ra những điểm mới, chuyển biến mới của công tác lý luận từ việc triển khai Nghị quyết số 37 trong 10 năm qua. Công tác lý luận chính trị cần đặt vấn đề cập nhật, đổi mới, chuẩn hóa chương trình đào tạo lý luận chính trị cho từng đối tượng cụ thể, cùng với mở rộng hệ thống mạng lưới các cơ sở đào tạo lý luận nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí lưu ý, việc đánh giá hệ thống tổ chức liên quan đến công tác lý luận cần làm rõ số lượng, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác lý luận chính trị hiện nay, nhất là ở địa phương, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ và hướng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực kế cận./.