60 năm Vĩnh Phúc làm theo lời Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã 8 lần về thăm, làm việc với Vĩnh Phúc và nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt được thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Những tình cảm yêu thương, những sự quan tâm sâu sắc của Người dành cho, đó là những tài sản, những giá trị tinh thần vô giá mà Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc trân trọng giữ gìn.
Đặc biệt, lần Bác về thăm ngày 02/03/1963 đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm trí mỗi cán bộ, Đảng viên, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc.
Nhớ ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc
Vụ đông xuân 1962 - 1963 ở miền Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gặp đại hạn. Hạn hán kéo dài từ tháng 9 năm 1962 đến tháng 3 năm 1963, trời không có một hạt mưa. Ở Vĩnh Phúc nhiều cánh đồng, kể cả đầm chiêm cũng cạn khô nứt nẻ.
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc ra sức chống hạn nhưng vẫn còn 2 vạn mẫu ruộng đã cấy nhưng vẫn đang thiếu nước, còn 2 vạn mẫu không có nước nên vẫn bỏ không vì chưa có nước.
Để biểu dương, động viên tinh thần chống hạn của quân và dân Vĩnh Phúc, ngày 02/03/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp về thăm và có cuộc nói chuyện với gần 2 vạn cán bộ, Đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Người tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên.
Khi Bác tới, cả rừng cờ, rừng người đứng dậy hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”, Bác hiền từ đứng lên lễ đài, chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào cán bộ, bộ đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên nhi đồng, đồng thời khen ngợi các hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá”.
Tất cả đều yên lặng lắng nghe từng lời, từng câu của Bác nói, tiếng Bác qua loa phóng thanh ấm áp vang động cả đất trời.
Bác nói về những khó khăn hiện nay của Vĩnh Phúc là hạn hán kéo dài, toàn tỉnh còn 2 vạn mẫu đang thiếu nước chưa trồng trọt được. Nắng lại kéo dài, những ruộng đã cấy rồi có thể hạn lại, thế bây giờ làm thế nào, bởi vậy chúng ta cần phải ra sức tiếp tục chống hạn.
Bác nói rõ nguồn nước chống hạn tại chỗ là nguồn nước ngầm dưới lòng đất, Vĩnh Phúc đã đào và có 1.500 giếng, có 1000 kiện tướng đào đất rất giỏi.
Vĩnh Phúc có 220 máy bơm nước, đó là lực lượng chống hạn, nhưng như thế chưa đủ, cần đào thêm nhiều giếng. Đào giếng muốn có nước phải hỏi các cụ phụ lão có kinh nghiệm, các kiện tướng làm thủy lợi, cố nhiên đồng bào phải góp sức vào nữa như thế nhất định đào được giếng, chúng ta nhất định phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất.
Mỗi người ngồi nghe Bác nói mới nhận ra rằng trời không mưa, sông suối cạn dần, lại ở xa không thể trông chờ trời mưa, phải đào thật nhiều giếng, mỗi cánh đồng phải có nhiều giếng để lấy nước chống hạn, phải huy động toàn dân đào giếng chống hạn, giếng nước phục vụ cho cuộc sống con người, cho gia súc, cho cây trồng, cho lúa và hoa màu. Người cần nước, gia súc cần nước, cây cối hoa màu cũng cần nước, việc đào giếng chống hạn là nhất thiết phải làm ngay. Sau đó ở mỗi làng quê đều viết chữ bằng vôi lên tường khẩu hiệu: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, làng nào cũng đào giếng, đào mương, khơi sông, tát nước, máy bơm, đạp cọn, không để ruộng bỏ không, phải chuyển đổi cây trồng cho kịp thời vụ, trồng cây hoa màu, trồng ngô, khoai, lạc, trồng cây công nghiệp phục vụ đời sống cho toàn dân. Từ cái khó phải suy nghĩ để ló cái khôn, phải sáng tạo phù hợp với từng hoàn cảnh.
Bác nói tiếp: “Về sản xuất nông nghiệp, tục ngữ có câu nước - phân - cần - giống”. Con người, con vật, cây trồng, đều cần nước uống, cần thức ăn, cần chăm sóc, cần giống tốt. Bác giải thích cặn kẽ phân là thức ăn của cây trồng, phải có nhiều phân. Phân xanh là lá cây, phân chuồng là phân lợn, phân trâu, phân bò, phân gia súc, phân lợn là tốt nhất, phải chăn nuôi nhiều lợn, nhiều trâu bò, gia súc.
Nghe Bác nói mọi người mới nhận ra những điều hàng ngày trong sản xuất mà mình không nhớ.
Khi về làng phong trào “đi bò vàng, về bò xanh” nghĩa là đi chăn bò dắt bò vàng, về lấy lá cây xanh về ủ thành phân bón ruộng. Phong trào “sạch làng tốt ruộng”, chăn nuôi nhiều lợn, trâu bò, gà vịt, ngan ngỗng, nhặt phân rơi ngoài đường, phân làm thức ăn cho cây lan rộng toàn tỉnh.
Bác giải thích:
- Cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ chưa đủ, cần là lao động thông minh, phải luôn cải tiến công cụ phương tiện sản xuất, phải áp dụng máy móc cơ giới hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa trong sản xuất để có năng suất cao.
- Giống là yếu tố quan trọng, tốt giống tốt má, phải chọn giống tốt có năng suất cao.
Bác dặn phải chú ý thời vụ kịp thời, mọi người mới nhớ câu tục ngữ “nhất thì nhì thục” có nghĩa là nhất là phải kịp thời vụ, nhì là phải làm đất kĩ.
Bác dặn phải phòng sâu bệnh, mọi người mới nhận ra phải phòng trừ sâu bệnh từ trứng nước, về làng phong trào “đem đèn dầu bẫy bướm” trừ sâu từ khi sâu còn là bướm. Đêm đến đèn như sao xa khắp các cánh đồng lúa để đánh bướm.
Bác dặn: Năm nào nắng to, nắng lâu, hạn hán kéo dài phải đề phòng ngập lụt, phải có kế hoạch phòng chống lụt bão. Về làng sau này, khi ngập lụt có phong trào “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Hệ thống cấp nước vào ruộng, thoát nước khi úng được chuẩn bị sẵn sàng trong toàn tỉnh.
Bác dặn phải cải tiến, quản lý lao động, phân công lao động hợp lý, người khỏe làm việc nặng, người sức khỏe kém làm việc nhẹ.
Bác dặn việc nào nên làm trước, việc nào lên làm sau, phải sắp xếp công việc hợp lý, Bác dặn: “Muốn làm tốt tất cả mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy đến chi bộ”.
Bác nói kinh nghiệm cho thấy chỗ nào mà chi bộ tốt thì ở chỗ đấy hợp tác xã tốt, là chỗ ấy làng sạch, là chỗ ấy các cháu học tốt, là chỗ ấy vệ sinh tốt.
Bác nói lại: Muốn làm tốt mọi công việc, thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy, đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thế nào, lãnh đạo tốt là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân.
Bác dặn cán bộ phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác nhắc cán bộ Đảng viên, đoàn viên không được quan liêu, mệnh lệnh, không chỉ tay năm ngón, phải đi sâu đi sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, giúp đỡ bà con nhân dân. Bác nói cán bộ tốt là cán bộ thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xấu là quan liêu, tham ô lãng phí. Bây giờ phải lấy cái tốt đánh tan cái xấu để mà tiến bộ, Bác dặn: “Mỗi Đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi có làm được không? Đảng viên, đoàn viên có quyết tâm làm được không? Đồng bào có quyết tâm làm được không? Các cụ với các cháu có hiểu cả không? Có hiểu được về có nói lại cho đồng bào nghe được không?
Hàng vạn cánh tay giơ lên nói: Có ạ, có ạ, có ạ vang lên như sấm dậy cả một góc trời. Bác giơ tay chào tất cả cán bộ chiến sỹ và đồng bào. Tất cả cùng đứng dậy, tiếng hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm" vang động cả đất trời. Lúc đó là 9 giờ 45 phút ngày 02/03/ 1963.
Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phát triển
Ngày 02/03/1963 với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là một ngày không thể nào quên. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân mãi mãi khắc ghi và làm theo lời Bác dạy, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực xây dựng, phát triển Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông vươn lên tỉnh công nghiệp với tâm thế mới, tầm vóc mới.
Giai đoạn 1997 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 13,27%/năm. Riêng năm 2022, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi, tăng trưởng, với GRDP đạt 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 93%; nông-lâm nghiệp, thuỷ sản còn 6,85%.
Diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương đang dần hiện hữu… Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III. Những địa danh khác cũng từng in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường đều là các địa phương phát triển. Nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc.
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 61 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.
Hạ tầng giao thông thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đều được cứng hóa 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%.
Sự nghiệp văn hóa - xã hội; các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, các chỉ số chung của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Vĩnh Phúc có nhiều học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại Vĩnh Phúc được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành Y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến như đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm, chú trọng, Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Với quan điểm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” và “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tìm tòi đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung vào những yêu cầu cấp bách, những vấn đề khó, vấn đề mới; tăng cường thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.
Những thành tựu to lớn và toàn diện nêu trên là yếu tố căn bản và quyết định trực tiếp nâng cao vị thế, sức mạnh và uy tín của tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc phát triển nhanh, bền vững và nhân văn trong giai đoạn mới; xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. /.
Nguyễn Đức Tẩm
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc