50 năm Hiệp định Paris: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam – Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và dẫn đề tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hiệp định Paris là tổng hòa thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, tạo cục diện mới để đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ điểm tựa chiến lược của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Hiệp định Paris đã tạo ra điều kiện và môi trường để Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, chính nghĩa và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để trong thời kỳ Đổi mới, chúng ta khai thông, nối lại và bình thường hóa các mối quan hệ đối ngoại, phá bỏ sự bao vây, cô lập, cấm vận, mở ra một thời kỳ hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của Hiệp định Paris khi hiệu triệu tinh thần dân tộc ở cả miền Nam tiền tuyến thành đồng và miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa. Công tác thông tin tuyên truyền song hành với đối ngoại nhân dân đã làm sáng tỏ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cứu nước, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo.

Thảo luận về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết, thi hành Hiệp định Paris, các đại biểu nhất trí khẳng định thắng lợi của Hiệp định Paris là kết quả của sự vận dụng nhuần nhuyễn và xuyên suốt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam hiện đại. Đỉnh cao của quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris là sự phối hợp linh hoạt, sáng tạo và biện chứng giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tạo nên thế trận “vừa đánh, vừa đàm”.

Hiệp định Paris cũng là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt về cục diện và tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1975.

Cuộc đàm phán Paris để lại nhiều bài học quý báu cho các thế hệ hôm nay. Trong đó quan trọng hơn cả là việc kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm cơ sở cho đường lối và quyết sách; bài học về sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm nòng cốt, chủ động, sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao để tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và xu hướng tiến bộ trên thế giới. Trong tình hình thế giới biến động phức tạp hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, tài đức vẹn toàn, phấn đấu vì lợi ích quốc gia – dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Hiệp định Paris là minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, là tiền đề quan trọng của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn 35 năm qua.

Những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, thực hiện kỷ cương vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của đất nước trong giai đoạn mới. Qua hai phiên thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, Hội thảo đã thực sự làm sống lại một mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.