Giá dầu đi xuống, chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Giá dầu giảm do số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu ở Mỹ tăng; trong khi đó chứng khoán châu Á biến động trái chiều do nhà đầu tư quan tâm đến chính sách tiền tệ.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 8/5 do số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu ở Mỹ tăng, một dấu hiệu thể hiện nhu cầu yếu đi.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 57 xu Mỹ (0,69%) xuống 82,59 USD/thùng vào lúc 13 giờ 45 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 53 xu Mỹ (0,68%) xuống 77,85 USD/thùng.

Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 509.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/5. Dự trữ xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng.

Tuy nhiên, thị trường cũng thận trọng về việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cắt giảm nguồn cung trước cuộc họp chính sách ngày 1/6 sẽ chi phối thị trường. Một số nhà phân tích kỳ vọng rằng nhu cầu ngắn hạn vẫn được hỗ trợ tốt nên giá dầu sẽ hạn chế đà giảm.

Các nhà phân tích của ING nhận định rằng giá dầu còn chịu thêm áp lực khi những ồn ào xung quanh chính sách sản xuất của OPEC+ ngày càng gia tăng. Hy vọng là các thành viên sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung sau quý 2 năm nay.

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 8/5 trong bối cảnh các nhà đầu tư đang quan tâm đến triển vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.

Chốt phiên 8/5, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,6% xuống 38.202,37 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,9% xuống 18.313,86 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,6% xuống 3.128,48 điểm. Thị trường chứng khoán Singapore, Wellington, Bangkok và Jakarta cũng giảm điểm, trong khi Sydney, Seoul, Đài Bắc, Mumbai và Manila đều đi lên.

Chuyên gia Kyle Rodda tại Capital.com cho biết, có rất ít dữ liệu về thu nhập doanh nghiệp khiến thị trường lo lắng, và các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục tranh luận về mức lãi suất phù hợp.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi những bình luận từ các ngân hàng trung ương để biết được những kế hoạch của các ngân hàng này.

Tại thị trường trong nước kết thúc phiên 8/5, chỉ số VN-Index tăng 1,83 điểm (0,15%) lên mức 1.250,46 điểm, HNX-Index đóng cửa tại mức 234,52 điểm, tăng 1,56 điểm (0,67%)./.